Nghị định 51-CP năm 1996 về việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động tại doanh nghiệp không được đình công

Số hiệu 51-CP
Ngày ban hành 29/08/1996
Ngày có hiệu lực 29/08/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 51-CP NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 1996 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CỦA TẬP THỂ LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Doanh nghiệp không được đình công theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật lao động bao gồm:

1. Doanh nghiệp phục vụ công cộng có tác động lớn đến sinh hoạt ở thành phố, khu công nghiệp lớn;

2. Doanh nghiệp sản xuất hoặc cung ứng một số sản phẩm thiết yếu đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân được Nhà nước giao nhiệm vụ và trợ giúp khi cần thiết;

3. Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 2.- Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục các doanh nghiệp không được đình công.

Điều 3.- Hàng năm vào đàu tháng 1, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi kiến nghị điều chỉnh Danh mục các doanh nghiệp không được đình công (nếu có) để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 4.- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp không được đình công; chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan, cơ quan quản lý cấp trên của doanh nghiệp (nếu có), Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động địa phương định kỳ 6 tháng một lần tổ chức nghe ý kiến của đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp này để kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.

Trong trường hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được yêu cầu phải giải quyết vượt quá thẩm quyền hoặc không giải quyết được thì trong thời hạn ba ngày, phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để phối hợp giải quyết.

Điều 5.- Tại doanh nghiệp không được đình công, khi có những yêu cầu của tập thể lao động đòi hỏi giải quyết, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của tập thể lao động, bàn bạc với người sử dụng lao động để tìm cách giải quyết; nếu không giải quyết được thì trong thời hạn ba ngày Ban Chấp hành Công đoàn phải kịp thời báo cáo với Liên đoàn lao động cấp tỉnh, người sử dụng lao động phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để phối hợp giải quyết.

Điều 6.- Khi xẩy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp không được đình công, Hội đồng hoà giải lao động ở cơ sở phải tiến hành hoà giải ngay khi nhận được đơn yêu cầu hoà giải. Nếu Hội đồng hoà giải lao động ở cơ sở hoà giải không thành thì mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh phải tiến hành hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

Điều 7.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 8.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp không được đình công chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

DANH MỤC
CÁC DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 51/CP ngày 29 tháng 8 năm 1996)

I. CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, CUNG ỨNG, TRUYỀN TẢI ĐIỆN THUỘC TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC VIỆT NAM:

1. Các nhà máy nhiệt điện: Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thủ Đức, Trà Nóc, Bà Rịa.

2. Các nhà máy thuỷ điện: Hoà Bình, Thác Bà, Vĩnh Sơn, Thác Mơ, Đa Nhim.

3. Các Công ty điện lực: I, II, III.

4. Các Công ty điện lực thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh.

[...]
12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ