Nghị định 37/2005/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Số hiệu 37/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 18/03/2005
Ngày có hiệu lực 08/04/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 37/2005/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2005 QUY ĐỊNH THỦ TỤC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (gọi tắt là cưỡng chế hành chính) đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định nêu trên mà không tự nguyện chấp hành.

Điều 2. Các biện pháp cưỡng chế hành chính

Các biện pháp cưỡng chế hành chính bao gồm:

1. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

2. Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

3. Các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

Điều 3. Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế hành chính

1. Đối với tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính khấu trừ tiền, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì thực hiện khấu trừ từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, đơn vị đó.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu, đơn vị vũ trang được tổ chức các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật, khi bị khấu trừ, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì lấy từ nguồn thu và tài sản do các hoạt động này mang lại.

3. Đối với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế bằng tiền, tài sản của tổ chức đó, trừ tài sản mà theo quy định của pháp luật không được sử dụng để chịu trách nhiệm dân sự.

4. Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản của tổ chức, quỹ đó.

5. Đối với các doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã) thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản hoặc thu nhập bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp đó.

Điều 4. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hành chính

Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính quy định tại Điều 2 của Nghị định này và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;

2. Trưởng công an cấp huyện, Giám đốc công an cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh thuộc Bộ Công an;

3. Trưởng đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát biển;

4. Cục trưởng Cục Hải quan cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan;

5. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

6. Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế;

[...]