Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị định 288-CP năm 1977 Điều lệ công tác kế toán - thống kê xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 288-CP
Ngày ban hành 29/10/1977
Ngày có hiệu lực 29/10/1977
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Số : 288-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 10  năm 1977

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ CÔNG TÁC KẾ TOÁN - THỐNG KÊ XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành kèm theo nghị định số 93-CP ngày 8-4-1977 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bộ Tài chính ban hành kèm theo nghị định số 61-Chính phủ ngày 29-3-1974 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ điều lệ về tổ chứ và hoạt động của Tổng cục Thống kê ban hành kèm theo nghị định số 72-Chính phủ ngày 5-4-1974 của Hội đồng Chính phủ;
Để từng bước đưa công tác kế toán - thống kê và thông tin kinh tế ở xí nghiệp đi vào nề nếp;
Theo đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và ông Bộ trưởng Bộ Tài chính.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Điều lệ công tác kế toán - thống kê xí nghiệp công nghiệp quốc doanh áp dụng thống nhất cho các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương.

Điều 2. - Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bản điều lệ này trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

- Ra văn bản hướng dẫn việc áp dụng bản điều lệ này trong các xí nghiệp quốc doanh thuộc các ngành kinh tế khác.

Điều 3: - Bản điều lệ này thi hành kể từ ngày ký; những văn bản quy định trước đây trái với bản điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 4: - Các ông Bộ trưởng, Tổng cục trưởng có quản lý công nghiệp, các ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện bản điều lệ này ở các xí nghiệp công nghiệp và vận dụng bản điều lệ này đối với xí nghiệp ở các ngành khác thuộc phạm vi quản lý của mình theo sự hướng dẫn của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính.

 

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

ĐIỀU LỆ

CÔNG TÁC KẾ TOÁN - THỐNG KÊ XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH
(Ban hành kèm theo nghị định của Hội đồng Chính phủ số 288- CP ngày 29-10-1977)

Chương 1:

NHIỆM VỤ, NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU CỦA  CÔNG TÁC KẾ TOÁN - THỐNG KÊ Ở XÍ NGHIỆP.

Điều 1. - Kế toán và thống kế là hai công tác cần được thống nhất trong một tổ chức để bảo đảm thống nhất số liệu, tăng cường lãnh đạo, phục vụ đắc lực cho quản lý xí nghiệp. Kế toán - thống kê xí nghiệp công nghiệp có nhiệm vụ:

1. Ghi chép, phản ánh một cách chính xác, kịp thời, liên tục và có hệ thống số hiện có và tình hình biến động về sản lượng, lao động, tài sản, tiền vốn; tính toán chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, lãi, lỗ, các khoản thanh toán với ngân sách theo đúng chế độ kế toán, thống kê và thông tin kinh tế của Nhà nước và yêu cầu quản lý kinh tế, tài chính của xí nghiệp.

2. Thu nhập, tổng hợp số liệu về tình hình sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp cả về hiện vật và giá trị, nhằm phục vụ việc lập kế hoạch và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, phục vụ công tác hoạch toán kinh tế, thông tin kinh tế, phân tích hoạt động kinh tế và lập báo cáo theo quy định của Nhà nước.

3. Kiểm tra việc thực hiện các chế độ hạch toán, chế độ quản lý kinh tế - tài chính của Nhà nước, trong phạm vi xí nghiệp, nhằm phát hiện và ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm chế độ chính sách, các hành động tham ô, lãng phí, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa; giám đốc việc sử dụng lao động, tài sản, tiền vốn, bảo đảm sử dụng chúng một cách hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao; phát hiện và động viên mọi khả năng tiềm tàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều 2. - Nội dung của công việc kế toán - thống kê ở xí nghiệp bao gồm:

1. Hạch toán số lượng lao động, sử dụng thời gian lao động và kết quả lao động; hạch toán tiền lương và bảo hiểm xã hội.

2. Hạch toán tài sản cố định: nhà cửa, vật kiến trúc, thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải và các tài sản cố định khác.

3. Hạch toán tài sản lưu động : nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng thay thế và các công cụ lao động thuốc vốn lưu động, phế liệu…(gọi chung là vật liệu).

4. Hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành các loại sản phẩm, công việc trong và ngoài sản xuất, kinh doanh cơ bản.

5. Hạch toán nhập, xuất thành phần, tiêu thụ sản phẩm công việc trong và ngoài sản xuất kinh doanh cơ bản.

6. Hạch toán các nghiệp vụ thanh toán, tín dụng.

[...]