Chỉ thị 011-TTg năm 1963 về tăng cường công tác kế toán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 011-TTg
Ngày ban hành 07/02/1963
Ngày có hiệu lực 22/02/1963
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 011-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 1963 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước sau khi ban hành đã được các ngành các cấp phổ biến, tổ chức học tập trong cán bộ, công nhân viên và đã nghiên cứu thi hành. Kết quả thu được nói chung là tốt. Riêng một số Bộ đã thi hành tích cực và đã bước đầu chấn chỉnh bộ máy, ban hành một số chế độ cần thiết, tổ chức các đợt kiểm tra và đặc biệt có cuộc thi đua giữa các ngành (Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục Điện lực, Tổng cục Bưu điện và Cục Vận tải đường thuỷ) về việc làm báo biểu quý III năm 1962 cập nhật. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh những cố gắng bước đầu của các Bộ, các ngành đã chú trọng thi hành điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước đặc biệt biểu dương những cố gắng của cán bộ và nhân viên ngành kế toán tài vụ thuộc Bộ Công nghiệp nặng và Tổng cục Bưu điện đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến công tác kế toán.

Tuy nhiên hiện nay tình hình tổ chức kế toán ở các ngành, đơn vị, địa phương vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như: chứng từ sổ sách kế toán ở các ngành chưa theo mẫu mực và chế độ thống nhất, báo biểu kế toán chưa cập nhật, tính toán giá thành và phí lưu thông còn thiếu chính xác, có ngành chưa tổ chức kiểm tra kế toán thường xuyên, bộ máy kế toán chưa được chấn chỉnh, cán bộ kế toán chưa được tăng cường…

Để chấn chỉnh thêm một bước công tác kế toán, góp phần vào cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Tổng cục, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ tiếp tục tiến hành các công tác sau đây:

1. Tiếp tục phổ biến sâu rộng điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước đến tận cơ sở; những nơi nào trước đây phổ biến chưa tốt thì cần phổ biến lại; những nơi đã phổ biến tốt rồi, thì cần kiểm tra việc thi hành, xem lại còn việc gì thuộc về kế toán mà chưa làm thì xúc tiến làm ngay.

2. Chấn chỉnh bộ máy kế toán từ trên xuống dưới, quy định nội dung công tác kế toán ở từng khâu (Bộ, cấp trung gian, đơn vị cơ sở), cử kế toán trưởng, bổ sung cán bộ…, đổi tên bộ máy cho đúng với quy định của điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước.

3. Căn cứ vào chế độ chung của Nhà nước mà Bộ Tài chính đã ban hành, các Bộ, Tổng cục nghiên cứu ban hành các thể lệ cần thiết để hướng dẫn cho ngành mình, thực hiện các chế độ chung đã ban hành, chú ý theo dõi để kịp thời sửa đổi những điểm không thích hợp.

4. Kết hợp với cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu mà đẩy mạnh việc kiểm tra kế toán nhằm chấn chỉnh lại công tác kế toán ở các cấp, tổ chức công tác kiểm tra kế toán ở các cấp theo đúng chế độ, bảo đảm các đơn vị kế toán ít nhất phải được kiểm tra kế toán mỗi năm một lần.

5. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ và các ngành nghiên cứu gấp tiêu chuẩn chính trị, nghiệp vụ của cán bộ kế toán ở từng loại đơn vị trình Thủ tướng Chính phủ duyệt để thi hành.

6. Bộ Tài chính cùng các ngành nghiên cứu, thống nhất chương trình, nội dung giảng dạy tiêu chuẩn học sinh ở các lớp kế toán sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Các ngành cần nghiên cứu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế toán cho năm 1963 và những năm tới gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

7. Đẩy mạnh công tác báo biểu kế toán, đảm bảo báo cáo kế toán từ nay trở đi phải chính xác, cập nhật theo đúng kỷ luật của Nhà nước. 

 

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng