Nghị định 194-CP năm 1964 ban hành điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 194-CP
Ngày ban hành 31/12/1964
Ngày có hiệu lực 15/01/1965
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

********

Số: 194-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1964

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ GIỮ GÌN VỆ SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ điều 73 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
Để tăng cường việc giữ gìn vệ sinh phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phục vụ quốc phòng và xây dựng nếp sống mới trong nhân dân;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Y tế:
Căn cứ quyết định của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 5 năm 1964:

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe.

Điều 2. – Các ông Bộ trưởng, các ông Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành điều lệ này.

 

 

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

ĐIỀU LỆ

VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE
(Ban hành kèm theo Nghị định số 194-CP ngày 31-12-1964)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe là việc rất cần thiết trong đời sống hàng ngày của nhân dân ta, vì giữ gìn được vệ sinh, bảo vệ được sức khỏe là tạo được điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh công tác và học tập, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống mới và làm cho đời sống gia đình thêm hạnh phúc.

Việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe có lợi ích như vậy, nên thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học, các ban quản trị các hợp tác xã và mọi người công dân phải coi đây là nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà ra sức thực hiện nghiêm chỉnh.

Bản điều lệ này quy định những nguyên tắc lớn của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe; thủ trưởng mỗi ngành ở trung ương, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần căn cứ vào hoàn cảnh, trình độ cụ thể của từng ngành, từng địa phương và căn cứ vào bản điều lệ này mà có những quy định cụ thể và hướng dẫn nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức thi hành.

II. VỆ SINH ĐỀ PHÒNG VÀ CHỐNG BỆNH DỊCH

Điều 1. – Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị quân đội, chủ nghiệm các hợp tác xã, chủ hộ tập thể, chủ hộ gia đình, khi phát hiện hoặc nghi có bệnh dịch trong đơn vị hoặc gia đình mình, phải khai báo ngay với cơ quan y tế ở nơi gần nhất .

Điều 2. – Khi có bệnh dịch xảy ra ở địa phương nào thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi đó, theo đề nghị của cơ quan y tế, phải ra lệnh thi hành những biện pháp bao vây, dập tắt ổ dịch.

Điều 3. – Đề phòng và chống các bệnh dịch, mọi người phải uống hoặc tiêm, chủng một số thuốc sinh hóa và nghiêm chỉnh thi hành các biện pháp phòng và chống dịch do Bộ Y tế hoặc Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Điều 4. – Mọi người vào, ra biên giới nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều phải tuân theo thể lệ kiểm dịch biên giới quy định trong Nghị định số 248-TTg ngày 08 tháng 5 năm 1958.

III. VỆ SINH TRONG LAO ĐỘNG

Điều 5. – Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã phải chăm lo sức khỏe của công nhân, viên chức, xã viên trong đơn vị mình phụ trách; phải thành lập và kiện toàn tổ chức y tế của đơn vị mình để làm tốt công tác phòng bệnh, chữa bệnh; phải lập và tổ chức thực hiện kế hoạch vệ sinh phòng bệnh.

Điều 6. - Nơi làm việc của công nhân, viên chức của Nhà nước và xã viên các hợp tác xã phải hợp vệ sinh, thoáng khí, có đủ ánh sáng và không có khói, bụi, hơi độc, độ ẩm, độ nóng vượt quá mức quy định.

Ở những nơi làm việc có nhiều khói, bụi, hơi độc, hoặc độ ẩm, độ nóng cao, thì công nhân, viên chức, xã viên phải được khám sức khỏe định kỳ và được trang bị các dụng cụ cần thiết đề phòng và chống khói, bụi, hơi độc, ẩm, nóng.

Điều 7. – Phải bố trí công nhân, viên chức Nhà nước, xã viên hợp tác xã là phụ nữ làm những công việc hợp với sức khỏe và sinh lý của phụ nữ. Không được dùng phụ nữ có thai và thiếu niên dưới 16 tuổi làm việc ở những nơi có nhiều chất độc hoặc làm những việc quá nặng nhọc. Ở những cơ quan, xí nghiệp… có nhiều phụ nữ làm việc phải có các phương tiện vệ sinh riêng cho phụ nữ.

IV. VỆ SINH VỀ CÁC THỨC ĂN, UỐNG, THUỐC HÚT

Điều 8. – Những khúc sông, đoạn suối, giếng nước dùng vào việc ăn uống của nhân dân, phải được giữ gìn sạch sẽ và phải được bảo vệ. Cấm tắm giặt và vất những vật dơ bản ở trong khu vực này.

[...]