Nghị định 19/2009/NĐ-CP sửa đổi Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính kèm theo Nghị định 162/2004/NĐ-CP

Số hiệu 19/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/02/2009
Ngày có hiệu lực 05/04/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 19/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TẠM GIỮ NGƯỜI THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 162/2004/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02 tháng 04 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ như sau:

1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 2. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm hành chính do người có thẩm quyền quy định tại Điều 7 Quy chế này quyết định.

2. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác;

b) Cần phải thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng để làm căn cứ cho việc quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;

c) Người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

d) Người có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với trường hợp vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

4. Khi hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính, người ra quyết định tạm giữ phải chấm dứt ngay việc tạm giữ đối với người bị tạm giữ và phải ghi vào sổ theo dõi tạm giữ hành chính, có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ. Trường hợp người bị tạm giữ từ chối ký xác nhận thì người ra quyết định tạm giữ phải lập biên bản hoặc phân công cho người đang trực tiếp thi hành nhiệm vụ tiến hành lập biên bản và ghi rõ lý do vào biên bản, biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến (nếu có), người lập biên bản, người đã ra quyết định tạm giữ”.

2. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính bao gồm các khoản chi cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất tạm giữ; mua sắm đồ dùng, phương tiện phục vụ cho việc tạm giữ; chi cho việc ăn uống, khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, chi phí cho việc tổ chức mai táng khi người bị tạm giữ chết trong thời gian bị tạm giữ đối với trường hợp bản thân hoặc gia đình họ không tự bảo đảm được và các khoản chi phí khác phục vụ cho việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

2. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính do ngân sách nhà nước cấp. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền tạm giữ theo quy định tại Điều 7 Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của công tác tạm giữ người theo thủ tục hành chính, chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tạm giữ người theo thủ tục hành chính cùng với việc lập dự toán ngân sách nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

3. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Thẩm quyền tạm giữ

1. Những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Trưởng Công an phường;

b) Trưởng Công an cấp huyện;

c) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Công an cấp tỉnh;

d) Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu;

[...]