Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 171-HĐBT năm 1991 Quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 171-HĐBT
Ngày ban hành 27/05/1991
Ngày có hiệu lực 27/05/1991
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 171-HĐBT

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 171-HĐBT NGÀY 27-5-1991 BAN HÀNH QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ LỆ PHÍ HẢI QUAN 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ điều 12 của Pháp lệnh hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan.

Điều 2. Bãi bỏ những quy định trong các văn bản trước đây của Hội đông Bộ trưởng về thủ tục hải quan và lệ phí hải quan trái với những điều khoản trong bản Quy định này.

Điều 3.

Bản Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ LỆ PHÍ HẢI QUAN

(Ban hành kèm theo Nghị định số 171-HĐBT ngày 27 tháng 5 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng)

Để việc kiểm tra, kiểm soát hải quan phục vụ đúng chính sách của Nhà nước về phát triển quan hệ kinh tế và văn hoá với nước ngoài, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia, Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 1. Hàng hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam, bưu kiện, bưu phẩm, văn hoá phẩm, ấn phẩn tài liệu, các đồ vật và tài sản xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh mượn đường Việt Nam (gọi chung là đối tượng kiểm tra, giám sát hải quan) khi qua lại biên giới Việt Nam phải làm thủ tục hải quan theo quy định của Nghị định này.

Điều 2.

Đối tượng kiểm tra, giám sát hải quan ghi ở điều 1 (trừ hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam, phương tiện vận tải) khi xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương nghiệp hoặc Tổng cục hải quan cấp. Trường hợp các đối tượng trên thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành, còn phải có giấy chứng nhận được phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan chủ quản cấp.

Liên Bộ Thương nghiệp - Tổng cục Hải quan quy định cụ thể thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với các đối tượng quy định tại điều này.

Điều 3. Trình tự thủ tục hải quan:

1. Trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ khi hàng nhập khẩu và 24 giờ sau khi phương tiện vận tải nhập cảnh và 2 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh, chủ hàng hoặc người đại diện, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phải nộp tờ khai hải quan theo mẫu của Tổng cục Hải quan ấn hành và các giấy tờ cần thiết khác (gọi chung là hồ sơ hải quan) có kèm theo chữ ký của mình. Sau khi hải quan tiếp nhận, hồ sơ hải quan không được sửa chữa, thêm bớt.

Thời điểm đối tượng kiểm tra hải quan bắt đầu chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan được tính từ thời điểm hải quan tiếp nhận hồ sơ hải quan.

2. Đối tượng kiểm tra hải quan khi nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên; khi xuất khẩu làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cuối cùng.

Riêng đối với hàng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu có thể làm thủ tục hải quan tại nơi nào chủ hàng thấy thuận tiện nhất.

Địa điểm kiểm tra tại cửa khẩu cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ, ga tàu liên vận quốc tế bằng đường sắt, bưu cục ngoại dịch, bưu cục kiểm quan, trạm trả hàng nhập khẩu.

[...]