Nghị định 14/2001/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Số hiệu 14/2001/NĐ-CP
Ngày ban hành 25/04/2001
Ngày có hiệu lực 10/05/2001
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/2001/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nhằm đáp ứng yêu cầu việc bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội;
ưTheo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Nghị định này quy định việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ trong các lĩnh vực sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ con người;

b) Hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ tài sản và hàng hóa;

c) Sản xuất, sửa chữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ.

2. Những đối tượng, mục tiêu thuộc danh mục nhà nước quy định do lực lượng Quân đội và Công an nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ và những đối tượng mà pháp luật quy định do lực lượng bảo vệ của các cơ quan, doanh nghiệp đảm nhiệm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2.

1. Chỉ những doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan mới được tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

2. Những tổ chức, cá nhân sau đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ:

a) Tổ chức, cá nhân mà Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;

b) Người đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế hoặc bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

c) Người có tiền án về các tội do lỗi cố ý hoặc người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác mà theo quy định của pháp luật chưa được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

d) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Những tổ chức, cá nhân sau đây không được trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ bảo vệ:

a) Tổ chức, cá nhân được quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ một số hoạt động sản xuất, sửa chữa các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc biệt chuyên dùng cho hoạt động dịch vụ bảo vệ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.

Điều 3. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều phải tuân theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4. Nghiêm cấm thành lập các doanh nghiệp để điều tra bí mật, tiến hành các hoạt động vũ trang bảo vệ hoặc các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Mọi hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ

[...]