Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 12-CP năm 1992 ban hành Quy chế các đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta

Số hiệu 12-CP
Ngày ban hành 01/12/1992
Ngày có hiệu lực 01/01/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ CHÍNH PHỦ SỐ 12-CP NGÀY 1-12-1992 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÁC ĐOÀN CỦA TA RA NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO NƯỚC TA 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để đổi mới công tác quản lý các đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta (gọi tắt là công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào) cho phù hợp với tình hình hiện nay,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế quản lý các đoàn của ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta.

Điều 2. Nghị định này thay thế Nghị định số 184-HĐBT ngày 18 tháng 11 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1993.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiểu Nghị định thi hành.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
QUẢN LÝ CÁC ĐOÀN CUẢ TA RA NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC ĐOÀN CUẢ NƯỚC NGOÀI VAÒ NƯỚC TA
(Ban Hành Kèm Theo Nghị Định Số 12-Cp Ngày 1 Tháng 12 Năm 1992 Của Chính Phủ)

Điều 1. Đoàn ra, đoàn vào nói trong Quy chế này bao gồm:

1. Những đoàn trao đổi giữa nước ta với nước ngoài và các tổ chức quốc tế thuộc phạm vi quan hệ Nhà nước hoặc mang danh nghĩa Nhà nước (dưới đây gọi tắt là đoàn "Nhà nước") như:

- Các đoàn ra, đoàn vào của Quốc hội và của Chủ tịch nước;

- Các đoàn ra, đoàn vào của Chính phủ;

- Các đoàn ra, đoàn vào thuộc phạm vi công tác của Toà án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;

- Các đoàn ra, đoàn vào thuộc phạm vi công tác quản lý hành chính Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Các đoàn ra, đoàn vào thuộc phạm vi công tác của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các đoàn thể nhân dân với nước ngoài và các tổ chức quốc tế (thực hiện theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng) cũng thi hành Quy chế này như đoàn "Nhà nước".

2. Những đoàn ra, đoàn vào để thực hiện các cam kết với nước ngoài và các tổ chức quốc tế thuộc phạm vi quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo, lao động, chuyên gia... của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân như: doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức sản xuất, kinh doanh, liên doanh với nước ngoài được thành lập theo đúng pháp luật (dưới đây gọi tắt là đoàn "hợp tác, kinh doanh").

3. Công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú hợp pháp tại Việt Nam tự mình xin xuất cảnh với mục đích riêng như học tập, lao động, chữa bệnh, du lịch, thăm thân nhân; và người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin nhập cảnh với mục đích tương tự, gọi chung là người đi "việc riêng".

Điều 2. Phân cấp quản lý các đoàn ra, đoàn vào:

1. Thủ tướng Chính phủ thống nhất quản lý các đoàn "Nhà nước". Bộ Tài chính căn cứ vào khả năng ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính do nước ngoài và các tổ chức quốc tế đài thọ chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm kinh phí chi tiêu cho các đoàn "Nhà nước".

2. Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Thủ trưởng các Bộ, ngành ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Thủ trưởng các cơ quan chủ quản) quản lý các đoàn "hợp tác, kinh doanh", thuộc phạm vi phụ trách. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý các đoàn "hợp tác, kinh doanh" của các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương mình mà không trực thuộc một cơ quan Nhà nước nào (như doanh nghiệp tư nhân, một số xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư toàn bộ vốn...). Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thể phân cấp cho các thủ trưởng các đơn vị trực thuộc trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về các đoàn ra, đoàn vào của họ. Các tổ chức kinh tế quốc doanh tự chịu trách nhiệm về kinh phí chi tiêu cho các đoàn "hợp tác, kinh doanh" do mình cử đi theo quy chế tài chính xí nghiệp và phải được cơ quan chủ quản, cơ quan Tài chính cấp trên kiểm soát chặt chẽ, chống lợi dụng, tham ô, lãng phí. Trường hợp đoàn "hợp tác, kinh doanh" thực hiện công việc do Chính phủ giao thì được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí như đoàn "Nhà nước".

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm quản lý các đoàn và cá nhân đi "việc riêng" theo đúng chủ trương và quy chế của Chính phủ. Mọi chi phí của các đoàn và cá nhân thuộc diện này do đương sự tự lo liệu.

Điều 3. Những đoàn ra, đoàn vào thuộc các đối tượng dưới đây nhất thiết phải có ý kiến các cơ quan chuyên trách trước khi quyết định cử đi hoặc mời vào:

- Các đoàn "Nhà nước" trao đổi với Trung Quốc (cho đến khi việc mở các cửa khẩu và quy chế quản lý biên giới được thiết lập bình thường theo Hiệp định tạm thời đã ký giữa hai nước), với những nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta phải có văn bản nhất trí của Bộ Ngoại giao.

- Tất cả các loại đoàn nói trong Điều 1 nếu mang nội dung hoạt động tôn giáo, hoạt động dân tộc phải có văn bản nhất trí của Ban Tôn giáo của Chính phủ hoặc của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

[...]