Nghị định 10-CP năm 1960 Quy định chế độ tiết kiệm gỗ do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 10-CP
Ngày ban hành 26/04/1960
Ngày có hiệu lực 11/05/1960
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số:10-CP

 Hà Nội ngày 26 tháng 04 năm 1960

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TIẾT KIỆM GỖ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Xét tình hình khai thác, cung cấp, sử dụng, bảo quản gỗ hiện nay, nhất là việc sử dụng gỗ còn nhiều điều bất hợp lý, gây lãng phí nghiêm trọng;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nông lâm;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thứ ngày 9 tháng 3 năm 1960 của Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay đặt chế độ tiết kiệm gỗ thành một kỷ luật của Nhà nước mà các cấp, các ngành phải nghiêm chỉnh chấp hành, để:

- Chấm dứt tình trạng lãng phí gỗ;

- Bảo vệ rừng và cải tạo rừng;

- Bảo đảm nhu cầu về gỗ ngày càng tăng của Nhà nước và nhân dân.

Chế độ tiết kiệm gỗ bao gồm các mặt: khai thác, cung cấp, sử dụng và bảo quản gỗ.

Mục I – KHAI THÁC GỖ

 

– Mỗi  khi mở công trường khai thác gỗ, các tổ chức được phép khai thác phải:

- Khai thác đúng trong phạm vi khu rừng đã được ấn định;

- Theo đúng thể lệ lâm nghiệp;

- Khai thác có kế hoạch toàn diện, tận dụng đến mức tối đa cành, nhánh.

Cơ quan Lâm nghiệp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức khai thác gỗ để bảo đảm kỹ thuật khai thác, tạo điều kiện tái sinh tự nhiên của rừng; đồng thời thực hiện kế hoạch trồng rừng để bảo vệ rừng và cải tạo rừng.

Điều 3. – Bộ Nông lâm quy định kích thước tối thiểu được chặt đối với từng loại gỗ ở từng vùng; cùng với Bộ Nội thương nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quy định giá thu mua và giá bán gỗ cho hợp lý nhằm khuyến khích khai thác toàn diện.

Điều 4. – Cơ quan Lâm nghiệp và các tổ chức được phép khai thác gỗ phải tìm mọi cách vận chuyển và bảo quản gỗ không được để chỗ ứ đọng, mất phẩm chất ở rừng, ở ven đường hoặc ở các bến; khi nào gỗ được mang đến những địa điểm đã quy định để giao nhận mới coi là đã hoàn thành nhiệm vụ  khai thác.

Mục II – SỬ DỤNG VÀ CUNG CẤP GỖ

Điều 5. – Sử dụng gỗ phải tiết kiệm, trường hợp có thể dùng tre hoặc các vật liệu khác thay gỗ có lợi hơn thì phải triệt để dùng các vật liệu đó thay gỗ.

Điều 6. – Sử dụng gỗ phải hợp lý theo đúng nguyên tắc gỗ nào dùng vào việc ấy. Bản quy định tạm thời về sử dụng gỗ ban hành kèm theo Nghị định này chia loại các công việc cần gỗ và định nhóm gỗ thích hợp cho từng loại công việc. Bộ Nông lâm phối hợp với Ủy ban Khoa học Nhà nước nghiên cứu sắp xếp các loại gỗ hiện có vào từng nhóm và xác định sức chịu của từng loại để hướng dẫn việc sử dụng gỗ cho đúng, vừa đảm bảo được chất lượng của công trình kiến thiết vừa không bó hẹp vào một số gỗ quen dùng gây khó khăn cho việc cung cấp gỗ. Cơ quan kiến thiết các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất  dùng gỗ làm nguyên liệu phải theo đúng các điều quy định nói trên mà lựa chọn loại gỗ cần thiết.

Điều 7. – Cỡ gỗ xẻ từ nay thống nhất theo các kích thước trong bản quy định cỡ gỗ xẻ ban hành kèm theo Nghị định này. Các tổ chức cung cấp và sử dụng gỗ phải theo đúng kích thước quy định mà xẻ gỗ và thiết kế. Trường hợp thật đặc biệt cần cỡ gỗ xẻ khác thì phải được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đồng ý.

Điều 8. – Chỉ có các công trình đã ghi trong kế hoạch Nhà nước và có thiết kế được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước duyệt mới được cung cấp gỗ. Những công trình không ghi trong kế hoạch Nhà nước, hoặc thiết kế ở nước ngoài chưa đưa về kịp, hoặc những công trình chưa được duyệt thiết kế kỹ thuật toàn bộ, mà muốn được cung cấp gỗ ngay để chuẩn bị cho kịp thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và chỉ được cung cấp dần tùy theo sự cần thiết.

Điều 9. – Các tổ chức phụ trách cung cấp gỗ theo kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm ký hợp đồng và cung cấp gỗ kịp thời cho các công trình nói ở điều 8, theo đúng các bản thiết kế đã được duyệt. Khi ký hợp đồng hai bên dựa trên cơ sở bản thiết kế và căn cứ vào các bản quy định tạm thời về sử dụng gỗ và cỡ gỗ xẻ mà tính toán cụ thể, ký kết cho sát với nhu cầu.

Điều 10. – Các ngành và các Ủy ban hành chính  địa phương nhất thiết không được làm sai kế hoạch cung cấp và phân phối gỗ, như lấy kế hoạch gỗ phân phối cho chỗ này dùng cho chỗ khác.

Điều 11. – Các công trường xây dựng, các xưởng cưa, xưởng đồ mộc, xưởng chế biến, vv… không được đem bán ra ngoài, tùy tiện dùng, hoặc hủy bỏ các loại gỗ đã dùng vào các công việc tạm thời như ván cốp pha, cột đà giáo, cột chống cầu hoặc các loại gỗ thừa khác. Tổng công ty vật liệu xây dựng thuộc Bộ Nội thương có trách nhiệm thống nhất thu mua và có kế hoạch chế biến,  phân phối, sử dụng hợp lý các loại gỗ đó.

Mục III. – BẢO QUẢN GỖ

[...]