Thông tư 279-UB/CQL năm 1962 giải thích Thông tư 278-UB/CQL ban hành bảng định mức sử dụng vật liệu trong xây dựng cơ bản do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

Số hiệu 279-UB/CQL
Ngày ban hành 10/02/1962
Ngày có hiệu lực 25/02/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
Người ký Bùi Văn Các
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
*******

Số: 279-UB/CQL

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1962

 

 THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH THÔNG TƯ SỐ 278-UB/CQL NGÀY 10/2/1962 NÓI TRÊN

Kính gửi:

Các Bộ,
Các Tổng cục,
Các Ủy ban hành chính và Ủy ban Kế hoạch các khu, thành, tỉnh,

 

Tiếp theo Thông tư số 278-UB/CQL ngày 10/2/1962, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho ban hành bảng định mức sử dụng vật liệu trong xây dựng cơ bản. Sau đây Ủy ban nêu rõ về những điều cụ thể để áp dụng thông tư ấy:

Bảng định mức sử dụng vật liệu này thay thế cho bảng định mức tạm thời số 1080-UB/CQL ngày 19/5/1959 và sẽ áp dụng trong việc lập đơn giá, dự toán, thanh quyết toán và thi công các công trình kiến thiết cơ bản dân dụng và công nghiệp kể từ ngày ban hành.

Để bảo đảm việc thực hiện định mức sử dụng vật liệu, các cơ quan có liên quan đến công tác kiến thiết cơ bản cần lãnh đạo việc sản xuất vật liệu và việc sử dụng vật liệu xây dựng một cách chặt chẽ, bảo đảm phẩm chất và quy cách vật liệu để việc sử dụng được tiết kiệm.

1. Các Bộ phụ trách sản xuất vật liệu xây dựng và các Ủy ban Kế hoạch các khu, thành, tỉnh cần kiểm tra đôn đốc các cơ sở sản xuất triệt để áp dụng “Quy phạm kỹ thuật” số 63-UB/CQL ngày 12/6/1961 của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong việc sản xuất để bảo đảm phẩm chất và quy cách vật liệu, dù là những cơ sở sản xuất quốc doanh, hợp tác xã hay tư nhân cũng vậy.

2. Các cơ sở sản xuất phải cung cấp vật liệu đúng phẩm chất và quy cách mà Nhà nước đã quy định.

Về số lượng hai bên mua bán phải cân, đong, đo, cụ thể, chính xác, không được mua, bán theo đống và ước lượng số lượng qua loa. Các cơ sở sản xuất gỗ phải cố gắng cung cấp gỗ theo chiều dài thiết kế để công trường khỏi phải cắt bỏ lãng phí.

3. Các cơ quan thiết kế căn cứ vào các cỡ gỗ xẻ thống nhất đã quy định trong thông tư số 10-CP ngày 26/10/1960 của Thủ tướng phủ trong việc thiết kế các bộ phận bảng gỗ để việc sử dụng gỗ được tiết kiệm.

Các cơ quan thiết kế còn có nhiệm vụ tính toán khối lượng công trình theo đúng thiết kế (tiền lương công tác) như điều lệ bao thầu thiết kế đã quy định để đơn vị thi công có căn cứ chính xác dự trữ và sử dụng vật liệu đúng yêu cầu, không được ước tính sơ sài khối lượng bảng khái toán như hiện nay.

4. Các xưởng xẻ gỗ cung cấp cần lựa chọn gỗ xẻ trước và phải khô, vừa tiết kiệm được gỗ, vừa đảm bảo phẩm chất gỗ.

Các công ty và công trường phải quản lý chặt chẽ vật liệu, từ việc mua sắm đến việc bảo quản và sử dụng vật liệu trên công trường, cụ thể là phải:

1. Thực hiện đầy đủ và rành mạch mọi thủ tục về kế toán vật liệu như: khi mua vật liệu phải có hội đồng kiểm tra phẩm chất, quy cách và số lượng (nếu cần phải thí nghiệm phẩm chất), khi nhập kho phải qua nghiệm thu như vậy để xác định rõ trách nhiệm của các bộ phận: thu mua, thu kho, bảo quản và sử dụng, tránh tình trạng mua nhiều nhập ít, cấp nhiều dùng ít, mất mát rơi vãi hoặc tham ô.

2. Phải cấp phát vật liệu cho từng hạng mục công trình, số lượng cấp phát phải tính toán trên cơ sở khối lượng phải thực hiện định mức của Nhà nước, không mang vật liệu của hạng mục này làm cho hạng mục khác, để tránh tình trạng sử dụng hỗn loạn, để không thể thực hiện được việc sử dụng theo định mức, không thể tổng kết được số lượng vật liệu và không hạch toán được giá thành công trình một cách cụ thể.

3. Cán bộ kỹ thuật của công trường phải căn cứ vào tình hình cụ thể của vật liệu cát sỏi của mỗi nguồn cung cấp và trong mỗi trường hợp mưa nắng (tỷ trọng, trọng lượng) kẽ hở, độ hãm nước v.v…) mà tính toán ra tỷ lê phối hợp của vật liệu trong bê tông cho chính xác như “Quy phạm kỹ thuật”… đã hướng dẫn, rồi qua thí nghiệm mà xác định liều lượng pha trộn bê tông cho công trường nhằm bảo đảm yêu cầu cường độ đồng thời tiết kiệm xi măng. Công nhân phải tôn trọng liều lượng pha trộn bê tông đã quy định không được tự tiện thay đổi và phải cân đong vật liệu một cách chính xác, không được ước lượng bằng giành hay sọt.

4. Xây tường mạch vữa phải đúng bề dày quy định trong “Quy phạm kỹ thuật…”. Để tiết kiệm vôi, xi măng đồng thời để bảo đảm kỹ thuật: mạch đứng không được dày quá 1cm và mạch nằm không được dày quá 1,2cm.

Không nên chặt gạch lành ra để xây mà phải dùng gạch vỡ khi cần xây những chỗ phải chặt gạch.

5. Công tác mộc và sắt, phải chọn gỗ và chọn sắt để làm vào những bộ phận thích hợp với kích thước của gỗ và sắt, không được pha cắt bừa bãi, mà phải tính toán: vật liệu dài dùng vào bộ phận dài, vật liệu ngắn dùng vào bộ phận ngắn, như vậy để tránh hao và lãng phí vật liệu.

6. Việc vận chuyển vật liệu trên công trường trong tình trạng khẩn trương của công tác thi công phải chú ý đừng để rơi vãi, công trường, một mặt phải giáo dục công nhân quý trọng vật liệu, một mặt phải trang bị cho anh em những dụng cụ tốt để đựng cát sỏi, vôi và bê tông, tránh tình trạng rơi vãi, hao hụt quá nhiều.

7. Công trường phải đặt chế độ báo cáo hàng ngày để việc sử dụng vật liệu của các đội thi công để thường xuyên uốn nắn những hiện tượng lãng phí vật liệu có thể xảy ra.

Muốn báo cáo được việc sử dụng vật liệu hàng ngày, các tổ, đội thi công sau mỗi ngày làm phải thống kê số vật liệu đã sử dụng trong ngày. Việc thống kê vật liệu sử dụng hàng ngày có thể tiến hành như sau:

- Đối với các vật liệu cát, sỏi, vôi và xi măng thì các đội, tổ thợ đồng thời với việc báo cáo khối lượng thực hiện trong ngày phải thống kê số lượng cối vữa và cối bê tông đã pha trộn và sử dụng trong ngày, rối tính ra số lượng vật liệu đã tiêu dùng trong ngày đó. Về gạch và ngói có thể đem các cầu ngói, cầu gạch đã dùng để biết số lượng.

- Đối với gỗ thì căn cứ vào các cấu kiện (cửa, khuôn cửa, kèo, ván khuôn v.v…) đã hoàn thành mà đo đạc và tính ra số lượng đã sử dụng.

- Đối với cốt thép thì trước khi đặt cốt thép vào khuôn phải kiểm nghiệm xem có đủ số lượng cốt thép trong thiết kế không; dựa vào thiết kế mà tính ra được trọng lượng cốt thép.

8. Sau khi mỗi hạng mục công trình đã hoàn thành, song song với việc quyết toán hạng mục công trình đó, công trường phải tổng kết số lượng vật liệu đã sử dụng, đối chiếu việc sử dụng với định mức để xác định việc sử dụng vật liệu cho hạng mục công trình đó tốt hay xấu. Cứ 3 tháng công trường phải báo cáo về Bộ và Ủy ban Kế hoạch địa phương tình hình sử dụng vật liệu xây dựng, trong báo cáo nêu rõ việc tổng kết sử dụng vật liệu theo từng định mức để góp phần xây dựng định mức ngày càng chính xác hơn.

9. Để tiết kiệm xi măng và vôi các công trường xây dựng các công trình dân dụng nên áp dụng vữa có pha dung dịch xà phòng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã phổ biến trong công văn số 862-UB-QLC ngày 7/5/1960 (xem bảng vữa ở phần phục lục).

[...]