Thông tư 55-LN-TC năm 1963 quy định tạm thời việc tổ chức và chế độ bồi dưỡng, khen thưởng những người mò vớt gỗ chìm do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
Số hiệu | 55-LN-TC |
Ngày ban hành | 18/09/1963 |
Ngày có hiệu lực | 18/09/1963 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Lâm nghiệp |
Người ký | Nguyễn Văn Phương |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
TỔNG
CỤC LÂM NGHIỆP |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 55-LN-TC |
Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 1963 |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG, KHEN THƯỞNG NHỮNG NGƯỜI MÒ VỚT GỖ CHÌM
Kính gửi: |
- Ủy ban hành chính
các khu, thành, tỉnh |
Theo tài liệu điều tra, hiện nay các luồng sông trên khắp miền Bắc nước ta có nhiều gỗ do lụt bão làm vỡ bè chìm xuống đáy sông từ lâu. Gỗ chìm là loại gỗ qúy có giá trị sử dụng cao. Mấy năm qua các công ty lâm sản liên tỉnh đã tổ chức mò vớt được một khối lượng gỗ lớn, nhưng về mặt chế độ chưa được quy định.
Để tăng thêm vật tư cho Nhà nước, phục vụ nhu cầu xây dựng cơ bản, nhu cầu công nghiệp và xuất khẩu, thi hành Chỉ thị số 1407-CN ngày 17/5/1963 của Phủ Thủ tướng giao cho Tổng cục lâm nghiệp tổ chức, quản lý và ban hành chế độ mò gỗ chìm, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Tổng cục lâm nghiệp tạm thời quy định chế độ mò vớt gỗ chìm nhằm khuyến khích đông đảo cán bộ, công nhân và nhân dân tham gia công tác này.
1. Gỗ chìm là gỗ bị rơi chìm xuống đáy sông vì thiên tai (bão, lụt…) hoặc tai nạn bất ngờ làm vỡ bè mảng. Gỗ chìm thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thu hồi và quản lý (trừ trường hợp xác định được rõ những cây gỗ đó là của một tổ chức không phải Nhà nước hoặc của một tư nhân).
Căn cứ chỉ thị trên của Phủ Thủ tướng các cơ quan lâm nghiệp có trách nhiệm quản lý thống nhất việc điều tra thăm dò, tổ chức mò vớt gỗ chìm, thu hồi số gỗ đó vào kho của Nhà nước. Cá nhân hoặc các tổ chức tập thể (hợp tác xã, tổ chức quần chúng) không được tự do vớt và không được tự tiện dùng số gỗ vớt được vào việc riêng mà phải giao số gỗ đó cho cơ quan lâm nghiệp thu hồi và quản lý. Cơ quan lâm nghiệp căn cứ vào công sức mò vớt, giá trị của khối lượng gỗ mò vớt được và chế độ đã ban hành để trả thù lao, khen thưởng cho cá nhân hay tập thể.
2. Để việc mò gỗ chìm có kết quả, các công ty lâm sản liên tỉnh, các lâm trường… cần tiến hành điều tra nắm chắc số lượng gỗ chìm của từng vùng sông trong phạm vị đơn vị mình phụ trách; trên cơ sở đó, bố trí tổ chức lực lượng lao động và chuẩn bị mọi phương tiện để tiến hành mò vớt gỗ chìm được kết quả tốt.
3. Trong khi tiến hành mò gỗ chìm các công ty lâm sản liên tỉnh, các lâm trường… cần phải chuẩn bị đầy đủ công tác bảo hộ lao động về phương tiện phòng hộ cũng như về giáo dục, đôn đốc kiểm tra thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn lao động cho công nhân và nhân dân tham gia mò vớt gỗ chìm. Phải tổ chức mò vớt tập thể ít nhất là từ hai người trở lên, tránh làm riêng lẻ cá nhân vì dễ xảy ra tai nạn lao động.
4. Chế độ bồi dưỡng và khen thưởng cho những người tham gia vớt gỗ chìm phải quán triệt nguyên tắc “hưởng thụ theo lao động” nhằm khuyến khích mọi người tích cực tham gia. Đồng thời phải có quan hệ tốt về thu nhập giữa công nhân quốc doanh và nhân dân, có khuyến khích tổ chức tập thể cơ quan và hợp tác xã. Do đó người bỏ nhiều sức lao động ra phục vụ và lao động nặng nhọc phức tạp hơn được hưởng thụ cao hơn người bỏ ít lao động và lao động nhẹ nhàng đơn giản; người phát hiện được gỗ chìm hưởng thụ ít hơn người mò vớt, tập thể, hợp tác xã được ưu tiên hơn cá nhân; cơ quan có nhiều thành tích được thưởng nhiều hơn cơ quan có ít thành tích.
A. ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN QUỐC DOANH.
Công tác mò vớt gỗ chìm chủ yếu là vận động nhân dân ven sông làm để tránh khỏi ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của cơ quan, xí nghiệp quốc doanh. Đối với công nhân quốc doanh, chỉ huy động mò vớt gỗ chìm vào những lúc hết việc hoặc có việc nhưng vì thiên tai mà không đóng cốn vận chuyển được. Đặc biệt những nơi tập trung nhiều gỗ chìm nhân dân không đủ lực lượng và phương tiện mò vớt thì nên tổ chức một đội công nhân quốc doanh chuyên trách mò vớt, đến lúc hết số gỗ chìm ở địa điểm đó sẽ giải tán.
Công nhân quốc doanh mò vớt gỗ chìm được hưởng các chế độ sau đây:
a) Trong giờ chính quyền: công nhân mò gỗ chìm được trả lương, khen thưởng và bồi dưỡng như sau:
1. Lương: người lặn mò được trả lương thống nhất bậc 4/5, người phục vụ trên bè được trả lương bậc 3/5 thuộc thang lương chặt hạ, lao kéo, xuôi bè.
2. Bồi dưỡng về hao mòn sức khỏe: công nhân lặn mò mỗi ngày làm việc từ 6 giờ 30 phút trong đó có 4 giờ lặn và 2 giờ 30 phút nghỉ lấy sức sau từng đợt lặn.
- Những vùng sông sâu từ 1 đến 13 mét, người lặn mò (lặn vo hoặc có mặt nạ, không mang áo lặn) mỗi giờ bồi dưỡng 0đ,20 (hai hào);
- Những vùng sông sâu trên 13m, phải có áo lặn mò mỗi giờ cũng được bồi dưỡng 0,20đ (hai hào).
- Giờ để tính phụ cấp là tổng số thời gian lặn và thời gian nghỉ lấy sức.
- Những người đứng trên bờ, trên bè để kéo gỗ, giữ đầu dây,… không lặn mò, không được bồi dưỡng.
3. Khen thưởng để khuyến khích những người mò được nhiều gỗ chìm.
Mỗi ngày bình quân một người mò vớt được: dưới 5 tấc khối không được thưởng; trên 5 tấc khối được được thưởng 2 đồng và trên một mét khối được thưởng mỗi mét khối 5 đồng. Số tiền thưởng nhiều nhất cho một người trong một ngày không quá 10 đồng.
- Nếu số mò vớt lên là gỗ đã bị hư hỏng không dùng được thì không được tính để thưởng.
Những người có sáng kiến làm tăng năng suất mò vớt, ngoài tiền thưởng trên, còn được xét thưởng về sáng kiến theo Thông tư số 004-LĐTT ngày 08/3/1958 của Bộ Lao động.
b) Ngoài giờ chính quyền: do cơ quan yêu cầu, công nhân tự nguyện được Công đoàn đồng ý, những người mò vớt gỗ chìm cũng được trả thêm lương, được bồi dưỡng và khen thưởng như trên.
Cơ quan có chủ trương để công nhân mò vớt gỗ chìm ngoài giờ chính quyền phải tuyệt đối bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ để khỏi ảnh hưởng đến sản xuất.