Thông tư 161-TTg năm 1960 thi hành Nghị định 10-CP 1960 về chế độ tiết kiệm gỗ do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 161-TTg
Ngày ban hành 25/07/1960
Ngày có hiệu lực 09/08/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 161-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 10-CP NGÀY 26-04-1960 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ TIẾT KIỆM GỖ

Từ hòa bình đến nay, đã ta khai thác hơn 2.000.000m3 gỗ và 1.700.000 si-te củi. Yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân đòi hỏi ngày càng nhiều gỗ. Năm 1959 khối lượng gỗ khai thác bằng 154,5% so với 1958, năm 1960 bằng 133% so với năm 1959 và những năm tới, nhu cầu về gỗ còn tăng nhiều hơn nữa. Ngược lại khả năng khai thác gỗ của ta chỉ có hạn vì rừng đã bị tàn phá nhiều, số rừng tốt còn lại rất ít. Những nơi thuận tiện đường giao thông, nói chung là hết gỗ, nên ngày càng phải khai thác xa, càng thêm khó khăn trong vấn đề vận xuất.

Mấy năm qua, tình hình lãng phí gỗ nghiêm trọng, việc khai thác, sử dụng, bảo quản gỗ có nhiều điều bất hợp lý:

- Về khai thác và bảo vệ rừng: Phần lớn các tổ chức khai thác chỉ chọn cây tốt, thẳng đẹp, chặt xuống chỉ lấy một hai khúc, còn cành, ngọn bỏ lại, ước tính trong 5 năm qua, số gỗ bỏ phí trong rừng có tới 3.000.000m3, trong khi đó đã chặt 15.000.000 cây non để làm củi, có lúc, có nơi lại chặt cả cây con, chặt vào rừng cấm, chặt không bảo đảm kỹ thuật, v.v… làm rừng thêm kiệt quệ.

Việc phòng chống lửa rừng tuy có tiến bộ hơn trước nhưng vẫn còn nghiêm trọng, riêng năm 1959 đã xảy ra 404 vụ cháy trên diện tích 22.203 ha, gây thiệt hại rất lớn.

- Về sử dụng: Rất nhiều nơi còn dùng gỗ tốt vào những việc không cần thiết hoặc tạm thời: cần gỗ ngắn, gỗ nhỏ thì lại lấy gỗ lớn, gỗ dài, cắt ngắn, xẻ nhỏ, số thừa vứt đi hoặc làm củi; nhiều công trường, gỗ cốp pha chỉ dùng một vài lần rồi bỏ,

- Về bảo quản: Hàng ngàn thước khối gỗ chặt xong không đưa về được, để trong rừng hoặc để ven đường, ở bãi, gỗ để lâu ngày bị mục không dùng được, trong nhiều công trường, nhà máy, gỗ  bỏ ngoài trời không bảo quản nên mất dần phẩm chất.

Sở dĩ có tình trạng trên là do mấy nguyên nhân:

- Về tư tưởng: từ trước đến nay, các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề lãnh đạo công nghiệp lâm nghiệp: chưa làm cho cán bộ, công nhân thấy rõ tình hình và khả năng cung cấp gỗ hiện nay, chưa giáo dục đầy đủ ý thức bảo vệ của công. Do đó nhiều người còn trưởng lầm rằng: khả năng của rừng là vô tận; chưa hiểu rõ gỗ là nguyên liệu quý giá và rất cần để kiến thiết nước nhà và cung cấp cho nhu cầu của nhân dân; chưa thấy rừng là tài nguyên lớn lao của đất nước, không cần bảo vệ, không cần tiết kiệm.

- Về chế độ: các cấp, các ngành chưa tích cực chấp hành nghị quyết của hội nghị gỗ tháng 02-1959, một số quy định đã ban hành chưa được thi hành nghiêm chỉnh.

Việc thiết kế quy định khối lượng gỗ, chất lượng gỗ cho các công trình kiến thiết chưa sát, thường khi còn dự trù trừ hao hoặc không có thiết kế v.v…

Sự phối hợp giữa các ngành để bảo đảm khai thác, vận chuyển cung cấp, bảo quản gỗ còn nhiều thiếu sót.

Để giải quyết các vấn đề nói trên nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí gỗ, bảo vệ rừng và cải tạo rừng, bảo đảm lâu dài nguồn tài nguyên của quốc gia, đồng thời bảo đảm nhu cầu về gỗ ngày càng tăng của Nhà nước và nhân dân, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10-CP về chế độ tiết kiệm gỗ, đặt chế độ tiết kiệm gỗ thành một kỷ luật của Nhà nước. Các cấp, các ngành nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cụ thể để nghiêm chỉnh chấp hành chế độ tiết kiệm gỗ.

Dưới đây là những công tác cấp thiết cần phải tiến hành ngay:

1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, giáo dục tư tưởng cho cán bộ và nhân dân về chế độ tiết kiệm gỗ.

Trước hết phải quán triệt tầm quan trọng, yêu cầu cấp thiết của việc tiết kiệm gỗ. nếu không chấm dứt tình trạng lãng phí gỗ, không tích cự bảo vệ rừng và cải tạo rừng, không giải quyết những điều bất hợp lý khai thác, cung cấp, sử dụng, bảo quản gỗ hiện nay thì không thể nào bảo đảm được nhu cầu gỗ ngày càng tăng, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân, đồng thời cũng không đáp ứng được nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân.

Các cấp, các ngành có liên quan cần tổ chức phổ biến học tập, có liên hệ kiểm từ trên xuống dưới.

Đối tượng chủ yếu của việc thực hiện tiết kiệm gỗ hiện nay là các cơ quan Nhà nước, nhưng cũng cần làm cho nhân dân thấy rõ tình hình, hiểu rõ yêu cầu để nhân dân có ý thức tích cực bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng và tiết kiệm gỗ.

Phải tùy từng đối tượng mà định trọng tâm cho thích hợp, thí dụ: các cơ quan khai thác, các tổ sơn tràng, phải nhằm vào việc bảo vệ rừng, khai thác hợp lý, vận xuất, vận chuyển nhanh chóng; các ngành xây dựng, các cơ sở xẻ, các công trường, xí nghiệp nhằm vào việc tiết kiệm sử dụng gỗ, bảo quản gỗ, v.v… Cần làm cho mọi người thông suốt chủ trương của Đảng và Chính phủ, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh chế độ tiết kiệm gỗ, chủ yếu là nâng cao nhận thức tư tưởng, giáo dục thường xuyên, liên tục lâu dài, đồng thời phải có chế độ cụ thể, có tổ chức kiểm tra chặt chẽ, có thưởng phạt kịp thời. Tuy căn bản phải dựa vào sự giác ngộ của quần chúng nhưng phải thấy rõ đây là pháp luật của Nhà nước.

2. Xây dựng các chế độ:

a) Khai thác: - Hiện nay kích thích tối thiểu các loại gỗ được phép khai thác vẫn theo quy định cũ (Nghị định số 596-TTg ngày 03-10-1955 và Nghị định số 5-NL/NĐ của Bộ Nông lâm):

- Gỗ thiếc mộc: đường kính từ 45 phân trở lên.

- Gỗ hồng sắc: đường kính từ 40 phân trở lên.

- Gỗ tạp: đường kinh từ 30 phân trở lên.

b) Giá thu mua và giá bán gỗ: - Thi hành chỉ thị số 126-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công chỉ đạo giá lâm sản.

c) Vận xuất, vận chuyển, phân phối gỗ: - Để hợp lý hóa tổ chức khai thác, vận chuyển và phân phối gỗ, giảm bớt trung gian, tránh tình trạng chậm trễ, từ nay Tổng cục Lâm nghiệp ngoài nhiệm vụ khai thác, vận xuất gỗ, sẻ đảm nhiệm luôn việc vận chuyển và trực tiếp cung cấp gỗ cho các cơ quan Nhà nước (Qua việc ký hợp đồng), Bộ Nội thương chỉ đảm nhiệm phần cung cấp gỗ cho nhân dân. Từ nay đến cuối tháng 09-1960, phải thanh toán số gỗ đã khai thác từ mấy năm trước còn để lại rừng, dọc đường hoặc các bến. Gỗ quốc doanh lâm khẩn khai thác chậm nhất là trong một tháng phải đưa ra khỏi rừng và trong ba tháng phải đưa đến nơi giao nhận. Gỗ sơn tràng khai thác, Lâm nghiệp cũng phải nghiên cứu quy định cụ thể thời gian và vận động họ đưa gỗ đã chặt, hạ ra khỏi rừng mau chóng.

Để bảo quản gỗ chóng mưa lũ, các ngành các Ủy ban hành chính địa phương chủ yếu là Lâm nghiệp và Tổng công ty Vật liệu xây dựng (Bộ Nội thương) phải hết sứa chú trọng bảo quản gỗ, chống mưa lũ, không được để mất, trước mắt là từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay, sang các năm tới, phải có kế hoạch và chuẩn bị lực lượng chóng lũ ngay từ trước mùa mưa để khỏi bị động.

[...]