Quyết định 603-BLN năm 1963 ban hành quy trình tạm thời về khai thác gỗ của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 603-BLN
Ngày ban hành 24/08/1963
Ngày có hiệu lực 08/09/1963
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Tạo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 603-BLN

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH TẠM THỜI VỀ KHAI THÁC GỔ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng Cục lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 596-TTg ngày 31 tháng 10 năm 1955 ban hành: “điều lệ tạm thời khai thác gỗ củi”;
Căn cứ Nghị định số 10-CP ngày 26 tháng 4 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ tiết kiệm gỗ và Thông tư số 161-TTg ngày 25 tháng 7 năm 1960 của Thủ tướng Chính phủ thi hành nghị định đó.
Xét đề nghị của ông Cục trưởng cục Khai thác và ý kiến của tổ lâm học thuộc Hội đồng khoa học kỹ thuật Tổng Cục lâm nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “quy trình tạm thời về khai thác gỗ” áp dụng cho tất cả các khu rừng của Nhà nước mở cho khai thác.

Điều 2: Các ông Cục trưởng cục Khai thác, trưởng ty lâm nghiệp, Giám đốc lâm trường trực thuộc Tổng Cục lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

 

QUY TRÌNH TẠM THỜI

VỀ KHAI THÁC GỖ

Điều 1: Để thúc đẩy việc hợp lý hoá sản xuất cải tiến kỹ thuật nhằm giải quyết một cách toàn diện và cân đối các mặt yêu cầu: cung cấp gỗ, tiết kiệm gỗ, bảo vệ rừng và tái sinh rừng, quy trình này quy định các việc phải làm, cách làm ,tiêu chuẩn kỹ thuật, chế độ trách nhiệm trong từng khâu của công tác khai thác gỗ ở các khu rừng của Nhà nước mở cho khai thác.

Quy trình này áp dụng đối với tất cả các tổ chức thuộc ngành lâm nghiệp hoặc các cơ quan đoàn thể khác khi tiến hành khai thác gỗ.

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 2: Ở những khu rừng của Nhà nước mở cho khai thác, việc khai thác gỗ phải tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà tổ chức theo một trong hai hình thức sau đây:

1. Hình thức lâm trường, công trường: Lâm trường, công trường thuộc ngành lâm nghiệp; công trường của các cơ quan, đơn vị bộ đội, hợp tác xã chuyên kinh doanh về rừng.

2. Hình thức tổ sơn tràng phân tán, bán chuyên nghiệp chưa thành một tổ chức cố định chuyên kinh doanh về rừng.

Điều 3: Căn cứ vào điều kiện thiên nhiên, tình hình rừng và kỹ thuật lâm nghiệp nước ta hiện nay, tạm thời quy định áp dụng hai phương thức khai thác là chặt trắng và chặt chọn.

Điều 4: Chặt trắng áp dụng chủ yếu cho những rừng nghèo gỗ cần chặt hết cây để trồng lại rừng. Có thể áp dụng chặt trắng cho một số rừng cây đặc sản lấy tái sinh nhân tạo là chủ yếu.

Trong chặt trắng phải chú ý không chặt trắng chỗ dốc quá 25o. Chặt một giải phải trừ một giải, nếu chặt trên sườn dốc phải trừ một giải trên đỉnh và một giải chân dốc. Bề rộng từng giải ấn định tuỳ từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu giải chặt phải rộng 20m, tối đa 30m, giải trừ lại rộng từ 10m đến 20m, (bề rộng đo theo mặt phẳng ngang). Nếu sườn dốc dài trên 100m, thì bề rộng giải trừ ở đỉnh dốc phải bằng 1/3 chiều dài của sườn dốc.

Điều 5: Chặt chọn áp dụng cho những rừng còn tương đối nhiều gỗ, phải bãi cây để giữ lại một số loại chủ yếu đủ tiêu chuẩn làm cây gieo giống, loại trừ những cây sâu bệnh, cong queo, nhằm đảm bảo yêu cầu tái sinh rừng tốt và cải thiện tổ thành của rừng. Sản lượng khai thác không được quá 30% trữ lượng của rừng. Đối với những rừng quá già tỷ lệ cây thành thục nhiều, hoặc trường hợp đặc biệt thì sản lượng khai thác có thể tăng thêm sau khi được duyệt.

Trong chặt hạ vận xuất phải hết sức bảo vệ cây non.

Điều 6: Sản lượng khai thác hàng năm của các khu rừng không được vượt quá sản lượng khai thác đã tính toán và đã được duyệt. Trường hợp cá biệt tính toán chưa sát hoặc để đáp ứng nhu cầu đột xuất về gỗ cần phải khai thác vượt quá sản lượng đã được duyệt thì phải báo cáo và được Tổng Cục lâm nghiệp cho phép.

Điều 7: Theo nguyên tắc thì chỉ được đốn chặt rừng khi đã đến tuổi khai thác. Trong điều kiện nay chưa định được tuổi khai thác cho từng loại cây và chưa quy hoạch được toàn bộ rừng thì tạm thời quy định như sau:

1. Đối với những vùng đã có quy hoạch thì phải khai thác theo tuổi cây đã quy định trong bản quy hoạch.

2. Đối với những vùng chưa có quy hoạch thì chỉ được khai thác khi cây đã có đường kính tối thiểu sau đây:

- Gỗ thiết mộc và gỗ quí (nhóm I và II): 45 cm.

[...]