CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
01/2003/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 1 năm 2003
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 01/2003/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2003VỀ
VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ BẢO HIỂM XÃ HỘI BAN HÀNH KÈM THEO
NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/CP NGÀY 26 THÁNG 01 NĂM 1995 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Lao động năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật
Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban
hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ căn cứ
theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động như sau:
1. Sửa đổi, bổ
sung Điều 3 như sau:
''Điều 3. Đối tượng áp dụng bảo
hiểm xã hội bắt buộc gồm:
1. Người lao động làm việc theo
hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không
xác định thời hạn trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sau:
a) Doanh nghiệp thành lập, hoạt
động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước;
b) Doanh nghiệp thành lập, hoạt
động theo Luật Doanh nghiệp;
c) Doanh nghiệp thành lập, hoạt động
theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
d) Doanh nghiệp của tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
đ) Hộ sản xuất, kinh doanh cá thể,
tổ hợp tác.
e) Các cơ quan hành chính, sự
nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội
nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác, lực lượng vũ
trang;
g) Cơ sở bán công, dân lập, tư
nhân thuộc các ngành văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, thể dục thể
thao và các ngành sự nghiệp khác;
h) Trạm y tế xã, phường, trị trấn;
i) Cơ quan, tổ chức nước ngoài
hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
k) Các tổ chức khác có sử dụng
lao động.
2. Cán bộ, công chức, viên chức
theo Pháp lệnh cán bộ, công chức.
3. Người lao động, xã viên làm
việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong các
hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
4. Người lao động làm việc tại
các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 6 Điều
này, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, khi hết hạn hợp
đồng lao động mà người lao động tiếp tục làm việc hoặc giao kết hợp đồng lao động
mới đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đó thì phải tham gia bảo hiểm xã hội
bắt buộc.
5. Người lao động quy định tại
các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 6 Điều này đi học, thực tập, công tác, điều dưỡng
trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công thì cũng thuộc đối
tượng thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc.
6. Người lao động làm việc và hưởng
tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong các
doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
Đối với người lao động làm việc
tại các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp đã thực
hiện giao khoán đất có quy định riêng."
2. Sửa đổi, bổ
sung Điều 10 như sau:
''Điều 10. Lao động nữ có thai,
sinh con khi nghỉ việc theo Điều 11 và Điều 12 Điều lệ này được hưởng trợ cấp
thai sản".
3. Bổ sung Điều
24a như sau:
''Điều 24a.
1. Người lao động tham gia bảo
hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong
các trường hợp sau đây:
a) Có đủ 3 năm đóng bảo hiểm xã
hội trở lên tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà bị suy giảm sức khoẻ.
b) Sau khi điều trị do ốm đau,
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chưa phục hồi sức khỏe.
c) Lao động nữ yếu sức khoẻ sau
khi nghỉ thai sản.
2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục
hồi sức khoẻ từ 05 đến 10 ngày trong một năm tùy thuộc vào mức độ suy giảm sức
khoẻ của người lao động.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi
sức khỏe của người lao động không bị trừ vào thời gian nghỉ hàng năm và không
được hưởng tiền lương, trừ trường hợp doanh nghiệp và người lao động có thỏa
thuận.
3. Mức chi phí nghỉ dưỡng sức,
phục hồi sức khỏe do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định sau khi trao
đổi thống nhất với Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức
quản lý, cấp và quyết toán kinh phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho từng
doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
4. Kinh phí để thực hiện nghỉ dưỡng
sức, phục hồi sức khỏe do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm bằng 0,6% tổng quỹ tiền
lương thực đóng bảo hiểm xã hội được trích trong nguồn 5% tính trên tổng quỹ tiền
lương thực đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cho 3 chế độ
ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Trường hợp nguồn kinh
phí được trích không đủ chi một định suất nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
theo quy định thì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức bổ sung từ quỹ phúc lợi hoặc
chuyển sang năm sau thực hiện."
4. Sửa đổi, bổ
sung Điều 27 như sau:
a) Sửa đổi, bổ
sung điểm a khoản 1 Điều 27 như sau:
''a) Người lao động có thời gian
đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì được tính bằng 45% mức bình quân của tiền
lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm
xã hội được tính thêm 3% đối với lao động nữ và 2% đối với lao động nam. Mức
lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn
cứ đóng bảo hiểm xã hội."
b) Sửa đổi, bổ
sung điểm b khoản 1 Điều 27 như sau:
''b) Đối với người lao động hưởng
chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn theo quy định tại khoản 2
và khoản 3 Điều 26 thì cách tính lương hưu như quy định tại điểm a khoản 1 Điều
27, nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều 25 thì giảm đi 1% mức bình quân của tiền lương tháng
làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với người lao động nam
đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi và có thời gian
đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên, có nguyện vọng về hưu thì được hưởng
lương hưu như cách tính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27, nhưng mỗi năm nghỉ
việc hưởng lương hưu trước tuổi không phải giảm 1% mức bình quân của tiền lương
tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội."
c) Sửa đổi, bổ
sung khoản 2 Điều 27 như sau:
''2. Ngoài lương hưu hàng tháng,
lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 25 năm, lao động nam có thời
gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm, khi nghỉ hưu được trợ cấp một lần theo
cách tính như sau: từ năm thứ 26 trở lên đối với lao động nữ, từ năm thứ 31 trở
lên đối với lao động nam, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận bằng một nửa
(1/2) tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội,
nhưng tối đa không qúa 5 tháng."
5. Sửa đổi,
bổ sung Điều 28 như sau:
''Điều 28.
1. Những trường
hợp sau đây được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm
xã hội được tính bằng 1 tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ
đóng bảo hiểm xã hội:
a) Người lao động nghỉ việc đã đủ
tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do ốm đau, tai nạn,
bệnh nghề nghiệp, nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ
hưu trí hàng tháng theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Điều lệ này.
b) Người đi định cư hợp pháp ở
nước ngoài.
2. Người lao
động nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà đã có đủ thời gian đóng bảo hiểm
xã hội theo quy định tại Điều 25, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Điều lệ này thì có
thể chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc bảo
lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đến khi có điều kiện thì tiếp tục đóng bảo
hiểm xã hội.
3. Người
lao động nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm
xã hội theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Điều lệ này thì được cấp sổ bảo hiểm
xã hội và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đến khi có điều kiện thì tiếp
tục đóng bảo hiểm xã hội, kể cả những người có tên trong danh sách của doanh
nghiệp, cơ quan, tổ chức mà nghỉ chờ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nhưng
chưa nhận trợ cấp một lần."
6. Bổ sung vào
cuối khoản 1 Điều 29 một đoạn như sau:
''Riêng đối với người lao động
đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương
thuộc công việc nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại trong thang
lương, bảng lương do Nhà nước quy định mà chuyển sang làm công việc khác đóng bảo
hiểm xã hội có mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy các mức lương cấp bậc
của 5 năm liền kề làm công việc nặng nhọc, độc hại để tính mức bình quân tiền
lương làm cơ sở tính hưởng lương hưu."
7. Bổ sung Điều
35a như sau:
''Điều 35a. Cách tính thời gian
đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ được quy định như sau: có thời gian
đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng đến 6 tháng thì được tính nửa (1/2) năm; từ
trên 6 tháng được tính tròn là 1 năm."
8. Bổ sung khoản
5 vào Điều 36 như sau:
''5. Tiền sinh lời của quỹ."
9. Bổ sung Điều
36a như sau:
''Điều 36a. Thời gian người lao
động nữ nghỉ việc trước và sau khi sinh con theo quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều 12 và thời gian người lao động nghỉ việc để nuôi con nuôi sơ sinh theo
quy định tại Điều 13 Điều lệ này được tính là thời gian để hưởng các chế độ bảo
hiểm xã hội. Trong thời gian nghỉ này, người lao động và người sử dụng lao động
không phải đóng bảo hiểm xã hội mà do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm."
Điều 2.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01
năm 2003.
Bãi bỏ Nghị định số
93/1998/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung
một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP
ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ và Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 21
tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
của người lao động.
Không tính lại chế độ bảo hiểm
xã hội cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành.
Điều 3.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách
nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài
chính, Bộ Nội vụ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 4.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện
chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và
người lao động thuộc trạm y tế xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 1
Nghị định này, sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và Bộ Tài chính.
Điều 5.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.