Thông tư 11/2003/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 11/2002/TT-BLĐTBXH thực hiện NĐ 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 11/2003/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 22/05/2003
Ngày có hiệu lực 01/07/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2003/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11/2003/TT-BLĐTBXH NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 11/2002/TT-BLĐTBXH NGÀY 12/6/2002 CỦA BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 41/2002/NĐ-CP NGÀY 11/4/2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thực hiện Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 41/2002/NĐ-CP), Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày15/1/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương (sau đây viết tắt là Nghị định số 03/2003/NĐ-CP), Công văn số 328/CP-ĐMDN ngày 21/3/2003 của Chính phủ về việc áp dụng Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đối với doanh nghiệp thực hiện giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động, sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2002/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2002 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 2 mục I như sau:

"2. Các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cơ cấu lại theo quy định tại điểm 1 nêu trên (kể cả đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp hạch toán độc lập khi chuyển thành công ty cổ phần) được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận phương án sắp xếp lại lao động do cơ cấu lại trong giai đoạn từ ngày 26/4/2002 (thời điểm có hiệu lực thi hành Nghị định số 41/2002/NĐ-CP) đến hết ngày 31/12/2005. Đối với các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản thì lấy ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án giải thể hoặc ngày tuyên bố phá sản doanh nghiệp có hiệu lực thi hành nhưng phải trong thời gian từ ngày 26/4/2002 đến hết ngày 31/12/2005".

2. Sửa đổi, bổ sung điểm 3 mục I như sau:

"3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp là cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất; quyết định chuyển đổi và đa dạng hoá sở hữu, quản lý, được thực hiện theo quy định hiện hành. Đối với doanh nghiệp bị giải thể, phá sản không duyệt phương án cơ cấu lại mà căn cứ quyết định phê duyệt phương án giải thể hoặc tuyên bố phá sản doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.

Riêng đối với Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước có thời gian hoạt động không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Công ty cổ phần hoạt động trong 12 tháng) do Hội đồng Quản trị công ty quyết định phương án cơ cấu lại theo Điều lệ của công ty và có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan xác nhận là Bộ, ngành đối với doanh nghiệp Bộ, ngành Trung ương quản lý; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với doanh nghiệp địa phương quản lý; Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 đối với doanh nghiệp do Tổng Công ty quản lý".

3. Bổ sung điểm 6 vào mục I như sau:

"6. Thời điểm tuyển dụng đối với người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

- Đối với người lao động làm việc liên tục trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì thời điểm tuyển dụng được tính từ ngày bắt đầu làm việc trong khu vực Nhà nước.

- Trường hợp người lao động có thời gian không làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì thời điểm tuyển dụng được tính là thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng làm việc liên tục trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A có quá trình làm việc như sau:

- Giai đoạn 1: Ngày 20/6/1976 được tuyển dụng vào làm việc (lần đầu tiên) trong doanh nghiệp nhà nước và làm việc liên tục đến ngày 20/6/1992.

- Giai đoạn 2: Ngày 1/7/1992 được tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và làm việc liên tục đến ngày 15/9/ 1995.

- Giai đoạn 3: Ngày 25/10/1995 được tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp nhà nước và làm việc liên tục đến ngày doanh nghiệp này thực hiện cơ cấu lại và có quyết định nghỉ việc.

Như vậy, thời điểm tuyển dụng vào khu vực nhà nước của Bà nguyễn Thị A được tính thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng là ngày 25/10/1995".

4. Sửa đổi, Bổ sung tiết a điểm 1 mục II như sau:

"a. Người lao động đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên được nghỉ hưu, không phải trừ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội, ngoài ra còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau:

a.1. Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp có tháng lẻ được tính trợ cấp như sau:

+ Nếu đủ 6 tháng trở xuống được trợ cấp 01 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có);

+ Nếu trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được trợ cấp 02 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có).

a.2. Trợ cấp 05 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

a.3. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp luơng (nếu có). Trường hợp có tháng lẻ được tính theo nguyên tắc trên 6 tháng đựợc tính là một năm, đủ 6 tháng trở xuống không được tính.

Thời gian để tính các khoản trợ cấp hưởng thêm theo quy định tại a2, a3 tiết a điểm 1 mục này được căn cứ vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (kể cả thời gian làm việc trong khu vực nhà nước được coi là đã đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định của pháp luật và được tính đến ngày có quyết định nghỉ việc.

Tiền lương và các khoản phụ cấp lương để thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP là tiền lương cấp bậc, chức vụ và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp, Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang. Trường hợp người lao động chưa chuyển xếp lương thì thực hiện chuyển xếp lương theo quy định tại các Nghị định nêu trên.

Các khoản phụ cấp được tính (nếu có) bao gồm: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực.

Đối với công ty cổ phần hoạt động trong 12 tháng, tiền lương và các khoản phụ cấp lương (nếu có) được tính tại thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

[...]