Luật Phá sản doanh nghiệp 1993

Số hiệu 30-L/CTN
Ngày ban hành 30/12/1993
Ngày có hiệu lực 01/07/1994
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thủ tục Tố tụng

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30-L/CTN

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1993

 

LUẬT

SỐ 30-L/CTN NGÀY 30/12/1993 CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ khi giải quyết việc phá sản doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội;
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định việc phá sản doanh nghiệp.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Luật này áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi lâm vào tình trạng phá sản.

Chính phủ qui định cụ thể việc thi hành Luật này đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng.

Điều 2.

Doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Điều 3.

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :

1- "Chủ nợ có bảo đảm" là chủ nợ có khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp mắc nợ.

2- "Chủ nợ có bảo đảm một phần" là chủ nợ có khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp mắc nợ mà giá trị tài sản bảo đảm ít hơn khoản nợ đó.

3- "Chủ nợ không có bảo đảm" là chủ nợ có khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp mắc nợ.

4- "Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp" là người được chủ sở hữu doanh nghiệp uỷ quyền theo qui định của pháp luật.

Điều 4

1- Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Toà án), Toà án nhân dân tối cao là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

2- Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Điều 5

Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết việc phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 6

Việc hoà giải tự nguyện giữa các chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ, nhận bảo lãnh hoặc mua lại các khoản nợ của doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản được ưu tiên giải quyết đến trước ngày Toà án có quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Chương 2:

THỦ TỤC NỘP ĐƠN VÀ THỤ LÝ ĐƠN YÊU CẦU TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Điều 7

1- Sau thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày gửi giấy đòi nợ đến hạn mà không được doanh nghiệp thanh toán nợ, chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn đến Toà án nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

2- Đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp phải ghi rõ :

[...]