Công văn về việc giải đáp bổ sung một số vấn đề áp dụng pháp luật

Số hiệu 24/1999/KHXX
Ngày ban hành 17/03/1999
Ngày có hiệu lực 17/03/1999
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trịnh Hồng Dương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/1999/KHXX

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 24/1999/KHXX NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC GIẢI ĐÁP BỔ SUNG MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

Kính gửi: Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp

Tại Hội nghị công tác ngành Toà án năm 1998 (từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 2 năm 1999), Toà án nhân dân tối cao đã có bản giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng. Tuy nhiên, tại Hội nghị này một số Toà án có ý kiến đề nghị được giải đáp bổ sung một số vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Trong lời bế mặc Hội nghị, Chánh án Toà án nhân dân tối cao thay mặt Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã giải đáp sơ bộ về những vấn đề đó. Để áp dụng đúng và thống nhất pháp luật trong công tác xét xử, Toà án nhân dân tối cao giải đáp những vấn đề được nêu bổ sung tại Hội nghị như sau:

I. VỀ HÌNH SỰ

1. Đề nghị giải thích cụm từ "người nào thấy người khác" quy định tại Điều 107 Bộ luật Hình sự. "Thấy" quy định trong điều luật này là "mắt nhìn thấy" hay là chỉ cần "biểt rõ"?

Theo Từ điển tiếng Việt năm 1992 thì "Thấy" có thể được hiểu theo các cách khác nhau: nhận biết được bằng mắt nhìn (nhìn thấy); nhận biết được bằng giác quan nói chung (nghe thấy); nhận ra được, biết được qua nhận thức (thấy được khuyết điểm); có cảm giác, cảm thấy (thấy vui). Để truy cứu một người về "tội cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" (Điều 107 Bộ luật Hình sự) thì "Thấy" ở đây không phải hiểu theo nghĩa rộng như các cách khác nhau được giải thích trong Từ điển tiếng Việt năm 1992, nhưng cũng không phải hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ "nhìn thấy". "Thấy" quy định trong Điều 107 Bộ luật Hình sự hoặc là "mắt nhìn thấy" hoặc là tuy mắt không nhìn thấy nhưng "có đầy đủ căn cứ biết rõ" người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến chết người.

2. Người được miễn trách nhiệm hình sự có phải là người không phạm tội hay không, có phải là hành vi của họ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ có thể bị xử lý hành chính hay không? Khi tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì có phải quyết định hình phạt bổ sung hay không, nếu điều luật có quy định hình phạt bổ sung đối với tội đó; trách nhiệm dân sự (nếu có) sẽ giải quyết như thế nào?

Về vấn đề này đã được hướng dẫn cụ thể tại mục VIII Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự" (Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1990; trang 22), nay cần nhấn mạnh thêm là "miễn trách nhiệm hình sự" và "Không phạm tội" là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau.

- Miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người phạm tội mà khi họ thực hiện hành vi phạm tội nếu căn cứ vào tình hình hoặc căn cứ vào nhân thân của họ tại thời điểm đó, thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng khi tiến hành điều tra hoặc xét xử do có sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ví dụ: Một người trộm cắp tài sản của công dân có giá trị 1 triệu đồng. Nếu tại thời điểm họ thực hiện hành vi trộm cắp đó, thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự, thế nhưng sau khi Viện kiểm sát truy tố ra trước Toà án thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử họ đã lập công lớn trong việc dập tắt một đám cháy và đã bị thương tích nặng. Trong trường hợp này họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự vì bản thân họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Miễn trách nhiệm hình sự cũng có thể được áp dụng đối với người phạm tội, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

- Không phạm tội là trường hợp hành vi của họ không cấu thành tội phạm (như phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể...), hay họ không thực hiện hành vi phạm tội đó mà là do người khác thực hiện..., có nghĩa là ngay tại thời điểm mà họ thực hiện hành vi đó hay ngay tại thời điểm có hành vi phạm tội xảy ra căn cứ vào các quy định của pháp luật thì họ không phạm tội.

Người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu trách hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung; tuy nhiên, tuỳ trường hợp cụ thể Toà án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp đối với họ và giải quyết trách nhiệm dân sự (nếu có). Tuỳ trường hợp cụ thể người được miễn trách nhiệm hình sự có thể bị xử lý hành chính.

3. Đối với người chiếm đoạt tài sản là tiền rồi dùng tiền đó mua vé xổ số và trúng thưởng, thì có áp dụng Điều 33 Bộ luật Hình sự để tịch thu khoản tiền trúng thưởng đó hay không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự thì Toà án quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước "những vật, tiền bạc mà người phạm tội do thực hiện tội phạm hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có". Trong trường hợp một người chiếm đoạt tài sản là tiền rồi dùng tiền đó mua vé xổ số và trúng thưởng thì khoản tiền trúng thưởng đó là do mua vé xổ số mà có, tức là thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự; do đó, Toà án quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước. Việc quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước khoản tiền trúng thưởng này không những đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự mà là hết sức cần thiết nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

4. Người phạm tội về ma tuý bị Toà án đã tuyên phạt tử hình, thì đối với họ có cần thiết phải tuyên hình phạt bổ sung là phạt tiền nữa hay không?

Theo quy định tại Điều 185o Bộ luật Hình sự thì người phạm tội ngoài việc phải chịu hình phạt chính còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền. Như vậy, việc quyết định hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với người phạm tội là bắt buộc. Việc thi hành hình phạt bổ sung là phạt tiền có thể được thực hiện trước hoặc sau khi thi hành hình phạt tử hình. Nếu sau khi đã thi hành xong án tử hình mà vẫn còn tài sản của người bị thi hành án tử hình, thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiếp tục thi hành hình phạt tiền đối với họ trong phạm vi khối tài sản mà họ để lại; nếu họ không còn bất cứ một thứ tài sản nào để thi hành hình phạt tiền, thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án phạt tiền đối với họ.

5. Một người mua chất ma tuý để sử dụng và khi đang đi trên đường thì bị bắt với số lượng mà theo hướng dẫn thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này cần truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội "vận chuyển trái phép chất ma tuý" hay về tội "tàng trữ trái phép chất ma tuý".

Trước hết cần phân biệt thế nào "tàng trữ trái phép" và thế nào"vận chuyển trái phép" theo hướng dẫn tại khoản 2 mục II phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự" (Xem cuốn các văn bản hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng; năm 1998; trang 48). Trong trường hợp cụ thể được nêu ra trên đây nếu có đầy đủ căn cứ xác định rằng người đó mua chất ma tuý để sử dụng với số lượng đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có nghĩa là có căn cứ khẳng định người đó mua chất ma tuý cất giữ để sử dụng dần; do đó, đối với trường hợp mua chất ma tuý để sử dụng với số lượng đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà đang cất giữ ở trong người cho dù phát hiện được trong trường hợp họ đang đi trên đường thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội "tàng trữ trái phép chất ma tuý". Tuy nhiên, so sánh Điều 185c và Điều 185d Bộ luật Hình sự, thì các tình tiết định khung tăng nặng, các khung hình phạt là như nhau; do đó, đối với trường hợp nêu trên, nếu Viện kiểm sát đã truy tố về tội "vận chuyển trái phép chất ma tuý", thì Toà án vẫn có thể kết án bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.

6. Đối với người có hành vi mua thuốc phiện một lần và đã bán cho nhiều người, mà tổng số thuốc phiện của các lần bán cộng lại là dưới 500 gam, thì có xét xử theo quy định tại điển b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự hay không? Nếu Viện kiểm sát truy tố và Toà án cũng xét xử trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 185đ và coi tình tiết "phạm tội nhiều lần" là tình tiết tăng nặng theo điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự, thì có đúng hay không? Nếu mọi trường hợp mua thuốc phiện một lần rồi bán cho nhiều người, đều bị coi là "phạm tội nhiều lần" và bị xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự, thì đề nghị hướng dẫn việc áp dụng hình phạt đối với 2 trường hợp cụ thể sau đây: trường hợp mua 3,75 gam thuốc phiện, bán cho nhiều người và trường hợp mua 400 gam thuốc phiện, bán cho nhiều người vì số lượng thuốc phiện của trường hợp thứ 2 gấp hơn 100 lần trường hợp thứ nhất trong khi mức hình phạt quy định đối với những trường hợp thuộc khoản 2 Điều 185đ là từ 10 năm tù đến 15 năm tù.

Theo tinh thần hướng dẫn tại điểm a khoản 4 mục II phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự", thì người mua bán thuốc phiện có trọng lượng dưới 500 gam bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 185đ Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hướng dẫn này mới chỉ căn cứ vào trọng lượng chất ma tuý mà chưa xét đến các tình tiết định khung hình phạt khác. Theo tinh thần hướng dẫn tại điểm c mục 8 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5-8-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, thì phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự trong các trường hợp: mua trái phép chất ma tuý từ hai lần trở lên nhằm bán trái phép cho người khác, không phân biệt bán một lần hoặc bán nhiều lần; mua trái phép chất ma tuý một lần và bán lại trái phép số lượng chất ma tuý đó từ hai lần trở lên cho người khác, không phân biệt bán lại từ hai lần trở lên cho một người hoặc cho nhiều người; mua trái phép chất ma tuý một lần và bán lại trái phép số lượng chất ma tuý đó trong cùng một lúc cho hai người trở lên. Như vậy, đối với trường hợp người mua trái phép thuốc phiện có trọng lượng dưới 500 gam đem bán lại cho nhiều người là trường hợp "phạm tội nhiều lần" và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự; nếu có thêm một tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự (ví dụ: sử dụng người chưa thành niên vào việc phạm tội) thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 185đ Bộ luật Hình sự. Do đó, đối với các trường hợp nêu trên nếu Viện kiểm sát chỉ truy tố và Toà án cũng chỉ xét xử theo khoản 1 Điều 185đ Bộ luật Hình sự và coi tình tiết "phạm tội nhiều lần" là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự là không đúng.

Trong các trường hợp nêu trên mặc dù đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 185đ Bộ luật Hình sự, nhưng khi quyết định hình phạt Toà án phải căn cứ vào nguyên tắc quyết định hình phạt quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự, nếu so sánh các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trong các trường hợp này như nhau, chỉ có số lượng thuốc phiện khác nhau, thì số lượng thuốc phiện càng lớn càng phải xử phạt nghiêm khắc hơn.

7. Tại điểm b mục 9 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA ngày 5-8-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an "Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương VIIA Các tội phạm về ma tuý của Bộ luật Hình sự" có hướng dẫn:

"Người nào đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng chưa được xoá án mà lại tàng trữ trái phép hoặc vận chuyển trái phép một trong các chất ma tuý được hướng dẫn trên đây (được hướng dẫn tại dấu (*) thứ nhất tiết b điểm 4 mục II phần B của Thông tư liên tịch số 01/1998) nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 185c hoặc khoản 1 Điều 185d tương ứng"; Nếu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 185c hoặc khoản 2 Điều 185d tương ứng.

Đề nghị giải thích trong các trường hợp tàng trữ trái phép chất ma tuý, vận chuyển trái phép chất ma tuý là thuốc phiện có trọng lượng dưới một gam (1g) hoặc hêrôin có trọng lượng dưới không phẩy một gam (0,1g), nhưng đã bị kết án mà chưa được xoá án, thì trong trường hợp nào xét xử theo khoản 1 Điều 185c (hoặc khoản 1 Điều 185d) và trong trường hợp nào xét xử theo khoản 2 Điều 185c (hoặc khoản 2 Điều 185d); cụ thể là:

a- Đã bị kết án một lần về tội phạm về ma tuý, nhưng chưa được xoá án;

b- Đã bị kết án một lần về tội phạm về ma tuý và một lần về tội phạm khác, nhưng chưa được xoá án;

c- Đã bị kết án hai lần đều không phải về tội phạm về ma tuý.

Theo hướng dẫn tại tiết b điểm 4 Mục II Phần B của Thông tư liên tịch số 01/1998 và tại điểm b mục 9 của Thông tư liên tịch số 02/1998, thì người nào tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép chất ma tuý là thuốc phiện có trọng lượng dưới một gam (1g) hoặc hêrôin có trọng lượng dưới không phẩy một gam (0,1g) chỉ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi và chỉ khi họ đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng chưa được xoá án. Nếu trước đó họ chỉ bị kết án một hoặc nhiều lần về tội phạm (các tội phạm) khác không phải là về một trong các tội phạm về ma tuý, thì họ vẫn không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý. Như vậy, điều kiện bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự người nào tàng trữ trái phép hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý là thuốc phiện có trọng lượng dưới một gam (1g) hoặc hêrôin có trọng lượng dưới không phẩy một gam (0,1g) là trước đó họ đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý, nhưng chưa được xoá án.

[...]