Công văn 457/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc áp dụng một số quy định của Luật phá sản doanh nghiệp

Số hiệu 457/KHXX
Ngày ban hành 21/07/1994
Ngày có hiệu lực 21/07/1994
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký
Lĩnh vực Doanh nghiệp

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 457/KHXX

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 1994

 

CÔNG VĂN

CUẢ  TOÀ ÁN NHÂN DÂN TÔÍ CAO SỐ  457/KHXX NGÀY 21-7-1994 VỀ VIỆC ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CUẢ LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

 

Luật phá sản doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30-12-1993 và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-1994. Để thi hành đúng và thống nhất các qui định của Luật này, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số điểm như sau:

I - VỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

1. Theo quy định tại đoạn 1 Điều 1 của Luật phá sản doanh nghiệp thì Luật này áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam khi lâm vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên đoạn 2 của Điều 1 này giao cho Chính phủ quy định cụ thể việc thi hành Luật này đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng; do đó, khi có đơn yêu cầu phải giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với một doanh nghiệp cụ thể nào đó, Toà án phải xem xét doanh nghiệp đó có thuộc loại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng theo quy định của Chính phủ hay không? Nếu thuộc loại doanh nghiệp đó thì khi giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, ngoài việc phải thi hành đúng các quy định của Luật phá sản doanh nghiệp, Toà án cần phải thực hiện đúng các quy định cụ thể của Chính phủ về việc thi hành Luật phá sản doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng.

2. Khi xem xét đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các Toà án cần phải nắm chắc quy định về doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản quy định tại Điều 2 của Luật phá sản doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh;

b) Sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

II - VỀ NHỮNG NGƯỜI CÓ QUYỀN NỘP ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Theo quy định tại các điều 7, 8, 9 Luật phá sản doanh nghiệp thì những người sau đây có quyền nộp đơn đến Toà án nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp:

1. Chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần (Điều 7). Trong trường hợp này đơn yêu cầu phải ghi rõ : a) họ, tên, địa chỉ của người làm đơn; b) tên và trụ sở chính của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản. Kèm theo đơn yêu cầu phải có bản sao giấy đòi nợ, các giấy tờ, tài liệu chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Đồng thời người nộp đơn phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động, nơi chưa có tổ chức công đoàn (Điều 8). Tuy nhiên đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn chỉ có quyền nộp đơn khi doanh nghiệp không trả được lương cho người lao động ba tháng liên tiếp. Đối với trường hợp này người nộp đơn không phải nộp các giấy tờ, tài liệu gì khác kèm theo đơn và cũng không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí.

3. Chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (Điều 9). Việc nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với những người này không chỉ là quyền mà là nghĩa vụ. Những người này phải nộp đơn khi doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn, kể cả hoãn nợ mà doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đơn phải ghi rõ: tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; họ và tên của chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; các biện pháp mà doanh nghiệp đã thực hiện nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Kèm theo đơn yêu cầu phải có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật phá sản doanh nghiệp. Đồng thời người nộp đơn phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật.

III - VỀ VẤN ĐỀ THỤ LÝ VÀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

1. Sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu và chứng từ về việc người nộp tiền đã tạm ứng lệ phí, Toà án phải vào sổ thụ lý đơn và cấp cho người nộp đơn giấy báo đã nhận đơn, trong đó cần nói rõ đã nhận được các loại giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn.

2. Theo tinh thần quy định tại Điều 12 Luật phá sản doanh nghiệp thì: Trong trường hợp người nộp đơn là chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần, đai diện công đoàn hoặc đại diện người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp mắc nợ biết, có bản sao đơn và các tài liệu liên quan kèm theo. Nếu người nộp đơn là chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp thì Toà án chỉ thụ lý đơn mà không phải gửi bản sao đơn và các tài liệu liên quan kèm theo cho bất cứ người nào.

3. Theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Luật phá sản doanh nghiệp, sau khi xem xét đơn và các giấy tờ, tài liệu có liên quan, Chánh toà Toà kinh tế ra quyết định không mở (nếu xét thấy có đủ căn cứ) hoặc quyết định mở (nếu xét thấy có đủ căn cứ) thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Trong quyết định phải nêu rõ lý do không mở hoặc mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Nếu là quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì còn phải ấn định thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp; họ, tên của Thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và các nhân viên Tổ quản lý tài sản được chỉ định.

Lý do của việc ra quyết định không mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp là mặc dù doanh nghiệp tuy có gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh nhưng sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết thì doanh nghiệp chưa mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Lý do của việc ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, nhưng sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Tổ quản lý tài sản phải có đầy đủ các thành viên quy định tại đoạn 3 Điều 15 Luật phá sản doanh nghiệp và phải tổ chức, hoạt động theo đúng các quy định của Chính phủ về "quy chế tổ chức và hoạt động của tổ quản lý tài sản".

4. Để việc ra quyết định không mở hoặc quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp được đúng, ngoài việc phải xem xét đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo một cách kỹ càng, thận trọng, trong trường hợp xét thấy cần thiết, Chánh toà Toà kinh tế có thể triệu tập chủ nợ, đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp đến Toà án để trình bày về những vấn đề cần thiết hoặc yêu cầu họ cung cấp, bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác.

5. Theo quy định tại đoạn 1 Điều 15 Luật phá sản doanh nghiệp thì trong quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp Toà án phải ấn định thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp, đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật phá sản doanh nghiệp thì kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nghiêm cấm doanh nghiệp mắc nợ tiến hành một số việc cụ thể, trong đó có nghiêm cấm thanh toán có bảo đảm từ tài sản của doanh nghiệp mà không có sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán; Thanh toán bất kỳ khoản nợ không có bảo đảm cho bất kỳ chủ nợ nào; Do đó, trong quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp Toà án cần ấn định rõ thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp là kể từ ngày doanh nghiệp nhận được quyết định.

6. Trong quá tình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội như tham ô, lừa đảo, sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa..., thì Thẩm phán cần thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và cung cấp tài liệu cho Viện kiểm sát xem xét để khởi tố về hình sự.

IV - VỀ VẤN ĐỀ CHỈ ĐỊNH THẨM PHÁN GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP.

1. Đoạn 2 Điều 15 Luật phá sản doanh nghiệp quy định: "tuỳ tính chất của từng việc cụ thể, Chánh Toà kinh tế cấp tỉnh chỉ định một Thẩm phán hoặc một tập thể gồm ba Thẩm phán... để giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp". Do đó, khi có yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp Chánh Toà kinh tế nếu xét thấy đủ căn cứ để ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thì phải xem xét, tuỳ tính chất của từng việc cụ thể, chỉ định một Thẩm phán hoặc một tập thể gồm ba Thẩm phán để giải quyết.

Cần chỉ định một tập thể gồm ba Thẩm phán để giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, khi xét thấy số lượng chủ nợ lớn, có nhiều khoản nợ khác nhau với số tiền rất lớn, doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở nhiều nơi, các yếu tố liên quan khác cho thấy độ phức tạp của việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

[...]