Thông báo 43/2017/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và I-ta-li-a

Số hiệu 43/2017/TB-LPQT
Ngày ban hành 06/11/2015
Ngày có hiệu lực 14/09/2017
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Italia,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Trương Chí Trung,Cecilia Piccioni
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2017/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2017

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định Hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a ký tại Hà Nội ngày 06 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 9 năm 2017.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Lê Thị Tuyết Mai

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC VÀ TƯƠNG TRỢ HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA I-TA-LI-A

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Tổng cục Hải quan đại diện và Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a, do Cơ quan Hải quan và Độc quyền Nhà nước đại diện, sau đây gọi là “các Bên” hoặc gọi riêng là “Bên”;

NHẬN THẤY các hành vi vi phạm pháp luật hải quan xâm phạm đến lợi ích kinh tế, tài chính, xã hội, văn hóa, thương mại của các quốc gia tương ứng và có thể gây thiệt hại về sức khỏe và an ninh công cộng;

NHẬN THẤY tầm quan trọng của việc đảm bảo việc cơ quan hải quan tính và thu thuế, phí hải quan và các loại thuế khác một cách chính xác đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu; và đảm bảo áp dụng đúng các biện pháp giám sát và kiểm soát, các biện pháp này cũng bao gồm thực thi pháp luật và quy định đối với hàng giả, hàng nhái và các nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký;

TIN RẰNG việc hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau giữa hai Cơ quan Hải quan sẽ giúp ngăn chặn các vi phạm về hải quan và nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan;

CĂN CỨ vào Khuyến nghị của Hội đồng hợp tác Hải quan về Hỗ trợ hành chính lẫn nhau ngày 05/12/1953;

CĂN CỨ vào Hiệp định hợp tác giữa Cộng đồng Châu Âu và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Bờ-rúc-xen, 17/7/1995);

CĂN CỨ vào Công ước của Liên hợp quốc về Phòng chống buôn lậu ma túy và các chất hướng thần và các phụ lục kèm theo (Viên, 20/12/1988);

XEM XÉT Công ước của UNESCO về các cách thức phòng chống xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển quyền sở hữu bất hợp pháp di sản văn hóa (Pa-ri, 14/11/1970);

XEM XÉT Công ước về Buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Oa-sinh-tơn, 03/3/1973);

XEM XÉT Công ước Basel về Kiểm soát vận chuyển qua biên giới đối với chất thải độc hại và việc xử lý chất thải - kèm theo Phụ lục (Basel, 22/3/1989);

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Định nghĩa

Vì mục đích của Hiệp định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Pháp luật hải quan” có nghĩa là các quy định pháp lý và hành chính có hiệu lực hoặc đang được thực hiện bởi Cơ quan Hải quan mỗi Bên liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, chuyền tải, quá cảnh, lưu kho và di chuyển hàng hóa bao gồm các quy định pháp lý và hành chính liên quan đến biện pháp cấm, hạn chế và kiểm soát cũng như chống rửa tiền, theo pháp luật và quy định trong nước của các Bên;

2. “Cơ quan Hải quan” có nghĩa là Tổng cục Hải quan Việt Nam thuộc Bộ Tài chính đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có nghĩa là Cơ quan Hải quan và Độc quyền Nhà nước đối với nước Cộng hòa I-ta-li-a, trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quốc gia quy định.

3. “Vi phạm pháp luật hải quan” có nghĩa là hành vi vi phạm hoặc âm mưu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hải quan;

4. “Cá nhân/tổ chức” có nghĩa là một thể nhân hay một tổ chức hoặc một pháp nhân;

[...]