Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 5419/KH-UBND năm 2012 về tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 5419/KH-UBND
Ngày ban hành 20/11/2012
Ngày có hiệu lực 20/11/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5419/KH-UBND

Bến Tre, ngày 20 tháng 11 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn (GTNT) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể hoá thực hiện Chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, TẦM NHÌN

1. Quan điểm:

- GTNT là một bộ phận trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

- Phát triển GTNT phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới; phát triển GTNT một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã và thôn ấp, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và nhu cầu đi lại của nhân dân.

- Phát huy lợi thế về điều kiện địa hình tự nhiên tại địa phương, kết hợp giữa giao thông đường bộ và đường thuỷ, giữa giao thông với thuỷ lợi, nông lâm nghiệp với các ngành kinh tế trên địa bàn.

- Ưu tiên phát triển GTNT vùng còn nhiều khó khăn ven biển, vùng bị chia cách bởi sông rạch có vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, nhằm tạo động lực phát triển, giảm chênh lệch giữa các địa phương.

- Có cơ chế, chính sách quản lý, bảo trì hệ thống GTNT một cách hợp lý, hiệu quả với sự tham gia của các cấp chính quyền và của người dân.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tiềm năng to lớn của nhân dân, của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để đầu tư phát triển GTNT.

- Sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, chú trọng vật liệu mới, áp dụng công nghệ mới thi công đơn giản, dễ thực hiện, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng để đông đảo nhân dân tự quản lý, tự làm.

- Tổ chức đưa các loại hình vận tải hành khách, hàng hoá và phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện địa phương vào khai thác thuận lợi, an toàn và hiệu quả nhất.

- Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng GTNT và đảm bảo hành lang an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020:

a) Về vận tải:

- Tổ chức dịch vụ vận tải hành khách công cộng thuận lợi từ trung tâm huyện về các trung tâm xã, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người nông dân sống ở khu vực nông thôn và phục vụ phát triển vùng nông thôn, góp phần giảm phương tiện cơ giới cá nhân.

+ Phát triển các loại phương tiện vận tải phù hợp với địa hình, kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân khu vực nông thôn.

+ 100% các huyện có bến xe khách trung tâm, tối thiểu đạt loại 4. Bố trí điểm dừng, đỗ tại trung tâm xã dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng.

+ 100% các huyện có bến bãi phục vụ hàng hoá nông nghiệp.

+ Tổ chức các dịch vụ sửa chữa phương tiện tại các trung tâm huyện.

b) Về kết cấu hạ tầng:

- Đường bộ:

+ 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; đối với các xã cù lao có bến phà để nối thông được đến trung tâm.

+ 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm; tỷ lệ mặt đường được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng hoá đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu là 70%.

+ Đồng thời, phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp.

+ Đưa dần hệ thống đường GTNT vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI theo TCVN 4054:2005. Tối thiểu 50% đường thôn ấp được cứng hoá, đạt loại A, theo tiêu chuẩn 22TCN 210-92. Tối thiểu 45% các đường trục chính nội đồng được cứng hoá, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện.

+ Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch; xoá bỏ hết cầu khỉ.

[...]