Nghị quyết 104/2011/NQ-HĐND về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 16 ban hành

Số hiệu 104/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/03/2011
Ngày có hiệu lực 28/03/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Văn Tí
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/2011/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 18 tháng 3 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động sức dân và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1049/TTr-UBND ngày 14/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh
,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Chủ trương:

- Xây dựng và phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng nông thôn mới, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, góp phần cải thiện môi trường sống và tạo bộ mặt khang trang cho các khu vực nông thôn và các khu phố bên trong đô thị.

- Phát triển giao thông nông thôn là sự nghiệp của nhân dân, thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” và tranh thủ tối đa mọi nguồn vốn hỗ trợ từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Phát triển giao thông nông thôn phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và gắn chặt với xây dựng nông thôn mới trên từng khu vực, địa bàn, theo hướng bền vững và đồng bộ với sự phát triển các loại kết cấu hạ tầng khác, từng bước giảm sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

2. Mục tiêu:

Phấn đấu kiên cố hóa tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn và đường trong các khu phố (gọi chung là đường giao thông nông thôn) bằng bê tông nhựa hoặc bằng bê tông xi măng. Đến năm 2015, có ít nhất 40% số km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa (trừ số tuyến đã được kiến cố hóa từ trước). Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường đã có nền đường và phát triển một số tuyến đường mới (bức xúc và nếu có đủ điều kiện), bao
gồm: Các tuyến đường của 20 xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường trong các khu dân cư; đường nội bộ trong các thôn, xóm, bản; đường vào các khu sản xuất tập trung; đường hẻm, ngõ, ngách trong đô thị; làm mới, sửa chữa các loại cống thoát nước có khẩu độ < 0,7m.

3. Cơ chế thực hiện:

Vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” với cơ cấu tỷ lệ như sau:

a) Khu vực 1: các phường thuộc thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi; các thị trấn ở các huyện; trong đó:

- Các phường:

+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 55%, trong đó: * Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 40%.

* Ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 15%.

+ Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 45%.

- Các thị trấn (trừ các thôn ở thị trấn):

+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 60%, trong đó: * Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 43%.

* Ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 17%.

+ Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 40%.

b) Khu vực 2: các xã thuộc thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các xã thuộc các huyện còn lại (trừ các xã thuộc khu vực 3; các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số xen ghép; các thôn đặc thù nằm ở vị trí hết sức khó khăn thuộc các xã khu vực 2 được quy định tại điểm c khoản 3 Điều này).

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 65%, trong đó: + Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 50%.

+ Ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 15%.

- Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 35%.

c) Khu vực 3: các xã miền núi, vùng cao, hải đảo và ven biển đặc biệt khó khăn: xã Phan Dũng, xã Phong Phú - huyện Tuy Phong; xã Phan Lâm, xã Phan Sơn, xã Phan Điền, xã Phan Tiến - huyện Bắc Bình; xã La Dạ, xã Đông Tiến, xã Đông Giang, xã Đa Mi - huyện Hàm Thuận Bắc; xã Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần - huyện Hàm Thuận Nam; xã Thắng Hải - huyện Hàm Tân; xã La Ngâu, xã Măng Tố - huyện Tánh Linh và các xã thuộc huyện Phú Quý; các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số xen ghép và các thôn đặc thù nằm ở vị trí hết sức khó khăn thuộc các xã khu vực 2.

[...]