Kế hoạch hành động 119/KH-UBND năm 2023 triển khai Nghị quyết 21/NQ-CP và Kế hoạch 128-KH/TU thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 119/KH-UBND
Ngày ban hành 15/05/2023
Ngày có hiệu lực 15/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 15 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 21/NQ-CP NGÀY 20/02/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ  KẾ HOẠCH SỐ 128-KH/TU NGÀY 29/3/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 15-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 29/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ, Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 29/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 15, Nghị quyết số 21 và Kế hoạch số 128) trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, tạo thành sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác ngoại giao kinh tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả, thực chất làm tiêu chí hàng đầu, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

- Việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 15, Nghị quyết số 21 và Kế hoạch số 128 phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế

1.1. Các cấp, các ngành tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ, thực chất nội dung Chỉ thị số 15, Nghị quyết số 21, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Tỉnh về công tác ngoại giao kinh tế, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế; xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của các hoạt động ngoại giao, một động lực quan trọng để huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

1.2. Sở Thông tin và Truyền thông định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các chuyên mục, phóng sự, tin, bài về công tác ngoại giao kinh tế; thông tin đầy đủ, kịp thời chủ trương, hiệu quả kinh tế của các hoạt động ngoại giao, đặc biệt các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo tỉnh với các đối tác nước ngoài ở trong và ngoài nước, các hội nghị, hội thảo quốc tế mà tỉnh đăng cai tổ chức. Chú trọng tuyên truyền, làm rõ vai trò và đóng góp của ngoại giao kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên đổi mới, đa dạng các nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả. 

Hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, địa phương nâng cấp trang thông tin điện tử của đơn vị, cung cấp thông tin chính thống, liên tục về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả công tác đối ngoại trong nước và của tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong môi trường làm việc theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng và các văn bản khác có liên quan, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao kinh tế của địa phương.

2. Củng cố, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới

2.1. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; cụ thể hóa Chương trình đối ngoại tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 thành các kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm, trong đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh duy trì, củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác đã ký kết ghi nhớ hợp tác, các địa phương có mối quan hệ truyền thống với tỉnh Thanh Hóa như: tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào), thành phố Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức), tỉnh Farwaniyah (Cô-oét) và các địa phương khác của các quốc gia trong khu vực có mối quan hệ tốt đẹp và tiềm năng hợp tác với Việt Nam như: các nước ASEAN, Đông Á, Nam Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông - Châu Phi...; tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, tạo các lợi ích đan xen song phương và đa phương, trên cơ sở đó, đưa hợp tác kinh tế trở thành một nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại của Tỉnh. Chú trọng tham mưu đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực, dự án kinh tế có ý nghĩa chiến lược (nông nghiệp, hạ tầng, năng lượng, viễn thông,...), nhằm tạo đột phá trong một số lĩnh vực hợp tác kinh tế của địa phương.

2.2. Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại hằng năm của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác tham mưu, tổ chức, tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế với các đối tác, đặc biệt là với các địa phương của các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

3.1. Sở Ngoại vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chiến lược về hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2021, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị biện pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo; chú trọng nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh ký kết, triển khai các thỏa thuận quốc tế, nhất là các thỏa thuận về đầu tư, thương mại, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu địa phương, hạn chế tối đa các tranh chấp quốc tế xảy ra (nếu có).

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác của địa phương với các đối tác Hồi giáo/phi Hồi giáo quan trọng, đồng thời, khai mở thị trường mới, nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tỉnh, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

- Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh, huy động nguồn lực của kiều bào ta, nhất là về tri thức, các lĩnh vực khoa học công nghệ mới phục vụ phát triển đất nước. Phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay hướng về xây dựng quê hương. Phối hợp, đôn đốc các ngành triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

3.2. Sở Công Thương - Cơ quan thường trực của Ban hội nhập kinh tế quốc tế và chỉ đạo chương trình xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa:

- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia; nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi các cam kết FTA của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

- Tham mưu giải pháp giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng và khai thác các thị trường mới, tiềm năng, góp phần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối tác, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác nhất định. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng thiết thực, hiệu quả, linh hoạt về cách thức tổ chức, triển khai. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quảng bá, tìm kiếm đối tác và thị trường; khuyến khích phát triển các sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác xúc tiến và hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

[...]