Kế hoạch 97/KH-UBND tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ nay đến cuối năm 2016

Số hiệu 97/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2016
Ngày có hiệu lực 16/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2016

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội Nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016 (Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2016, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành có liên quan, các lực lượng thực thi nhiệm vụ và nâng cao nhận thực và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xem việc giảm tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng xã hội khi tham gia giao thông.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân và người tham gia giao thông, đơn vị kinh doanh vận tải.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đẩy mạnh chống tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.

2. Yêu cầu

- Tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao để hoàn thành kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016, phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương theo chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

- Tập trung nghiên cứu công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền an toàn giao thông dưới nhiều hình thức cụ thể, dễ hiểu.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác từ nay đến cuối năm 2016, các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, xử lý hiệu quả lĩnh vực kinh doanh vận tải, vấn đề tải trọng và tình trạng “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, khắc phục các “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông đường bộ; huy động tối đa lực lượng để tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt tập trung xử lý các hành vi vi phạm tải trọng, tốc độ, nồng độ cồn, không đi đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, tránh, vượt sai quy định, phương tiện quá chu kỳ đăng kiểm và niên hạn sử dụng... Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lớn về tai nạn giao thông.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban an toàn giao thông thành phố

a) Tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hoàn thành kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao công tác tuyên truyền an toàn giao thông dưới nhiều hình thức cụ thể, dễ hiểu.

b) Phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” theo đúng quy định.

c) Chỉ đạo Ban An toàn giao thông quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đặc biệt, chú trọng tuyên truyền Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố các sở, ngành và địa phương khảo sát các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông (điểm đen), các điểm ùn tắc giao thông, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

2. Sở Giao thông vận tải

a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải để đẩy mạnh công tác thẩm định an toàn giao thông qua đó phát hiện và xử lý những bất cập về an toàn giao thông; rà soát, điều chỉnh và bổ sung thiết bị phân luồng, phân làn và biển báo tín hiệu giao thông trên mạng lưới đường bộ và đường thủy nội địa; có phương án tổ chức đảm bảo giao thông chống sạt lở trên đường bộ, chống va trôi tại các vị trí cầu vượt sông nhất là trong mùa mưa bão.

b) Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa; tổ chức tập huấn phổ biến quy định pháp luật cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe cho toàn đội ngũ lái xe để chấm dứt sử dụng lái xe cho dương tính với chất ma túy và các chất kích thích khác; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong quản lý nhà nước về vận tải, đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng như trong công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện và trong công tác tuần tra kiểm soát.

c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tải trọng xe và xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.

d) Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng có liên quan quản lý kiểm soát tốt việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá dịch vụ xe ra vào bến, quản lý, kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải qua thiết bị giám sát hành trình.

đ) Thường xuyên rà soát các tuyến đường, cầu do Sở Giao thông vận tải quản lý để có kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông.

3. Công an thành phố

a) Nghiên cứu, đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” để có đề xuất kiến nghị và đưa ra kế hoạch định hướng về công tác an toàn giao thông trong thời gian tới sát với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.

b) Tiếp tục chỉ đạo Công an quận, huyện tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát theo các chuyên đề, kế hoạch và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; đặc biệt, các đường giao thông nông thôn. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

[...]