Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2013 triển khai Đề án xử lý nợ xấu đối với Chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 97/KH-UBND
Ngày ban hành 19/09/2013
Ngày có hiệu lực 19/09/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Lê Trường Lưu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 09 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XỬ LÝ NỢ XẤU ĐỐI VỚI CÁC CHI NHÁNH
TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN
(Theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/05/13 của Thủ tướng Chính phủ)

Thực hiện Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/05/13 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch triển khai xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh cụ thể như sau:

A. MỤC TIÊU XỬ LÝ NỢ XẤU

Xử lý nợ xấu của các Chi nhánh Tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho các Chi nhánh TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh TCTD. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của “Đề án cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” được ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN

1. Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý.

2. Tổ chức đánh giá lại các khoản cấp tín dụng, ủy thác đầu tư để phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý. Trong đó, ưu tiên các khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo, khách hàng vay không còn tồn tại và nợ xấu thuộc nhóm 5.

3. Chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi để giảm bớt khó khăn cho khách hàng.

4. Tiếp tục đầu tư cho vay, bảo lãnh đối với khách hàng có nợ xấu có khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phục hồi và phát triển tốt.

5. Rà soát, đánh giá lại tài sản đảm bảo; thỏa thuận với khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo hợp pháp; phối hợp với khách hàng và các cơ quan tổ chức liên quan hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với những món vay, tài sản đảm bảo chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

6. Tích cực đôn đốc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ...

7. Tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu.

8. Kiên quyết chấm dứt hoạt động, sáp nhập, giải thể các điểm giao dịch, phòng giao dịch kinh doanh không hiệu quả.

9. Hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, công tác kiểm soát nội bộ, thường xuyên quan tâm phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ ngân hàng, nâng cao trình độ chuyên môn, tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.

II. ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG VAY VỐN

1. Khách hàng phải chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường áp dụng công nghệ, chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng và triển khai các phương pháp cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, chủ động phát triển thị trường.

2. Các doanh nghiệp cần chú trọng thay thế các yếu tố đầu vào nhập khẩu bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tăng cường sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước.

III. ĐỐI VỚI CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

1. Về chính sách tiền tệ tín dụng và ngân hàng

- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại nợ của các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu thông qua sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo.

- Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nêu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các nhóm giải pháp giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

a) Về xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư.

- Các Sở, ngành trên địa bàn cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước, cụ thể:

[...]