Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2014 đổi mới và phát triển hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 98/KH-UBND
Ngày ban hành 12/11/2014
Ngày có hiệu lực 12/11/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 12 tháng 11 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014 -2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT, ngày 10/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NHỮNG NĂM QUA

1. Hợp tác xã nông nghiệp.

- Số lượng hợp tác xã (HTX) tính đến 30/10/2014 là 80 HTX, được phân theo lĩnh vực hoạt động chính: Có 9 HTX nuôi trồng thủy sản; 15 HTX lâm nghiệp; 56 HTX nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi, tổng hợp);

- Số xã viên là 2.660 người, bình quân 01 HTX có 35 xã viên và cũng là lao động thường xuyên của HTX;

- Kết quả sản xuất kinh doanh: Bình quân một HTX trong năm 2014 có doanh thu 250 triệu đồng/năm, thu nhập của xã viên bình quân 15 triệu đồng/năm. Số HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả và trung bình có 50 HTX chiếm tỷ lệ 64%, còn lại là HTX yếu kém, chiếm tỷ lệ 36%; lãi bình quân 01 HTX là 30 triệu đồng/năm

Nhìn chung các HTX hoạt động đúng Luật, tạo sự liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, một số HTX hoạt động có hiệu quả, được bà con nông dân tín nhiệm. HTX đã góp phần tạo việc làm, tham gia hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng tình làng, nghĩa xóm ở địa phương; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Tuy nhiên, số HTX hoạt động trung bình và kém hiệu quả còn cao; quy mô nhỏ, lợi ích đem lại cho xã viên chưa nhiều, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; HTX chưa thực sự là chỗ dựa của kinh tế hộ, các hoạt động dịch vụ của nhiều HTX chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế hộ và xã viên; đội ngũ cán bộ HTX còn nhiều hạn chế, tư duy quản lý chưa thích ứng với cơ chế thị trường, số lượng HTX đăng ký thành lập tuy có tăng, nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, vốn kinh doanh thấp, lợi ích đem lại cho xã viên chưa nhiều, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Nguyên tắc quản lý trong HTX chưa được thực hiện đầy đủ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu. Luật HTX, các Nghị định của Chính phủ chưa được phổ biến rộng rãi cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện.

2. Tổ hợp tác nông nghiệp.

- Tổng số tổ hợp tác (THT) đến nay có 1.132 THT, trong đó có 447 THT được UBND xã xác nhận chiếm tỷ lệ 40%, bình quân tăng 4%/năm, được phân theo các lĩnh vực như sau: Tổ hợp tác chăn nuôi có 5 THT; Tổ hợp tác trồng trọt 63 THT; Tổ hợp tác thủy sản, dùng nước 216 THT; Tổ hợp tác dịch vụ 358 THT; Tổ hợp tác khác (tín dụng, hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh, chế biến và bảo quản nông lâm sản, hợp tác làm đất....) có 490 THT;

- Kết quả sản xuất kinh doanh: Doanh thu bình quân 145 triệu đ/THT/năm; lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/năm; thu nhập từ THT của thành viên khoảng 4,5 triệu đ/năm.

Nhìn chung, các THT bước đầu đã khắc phục được một số điểm yếu của kinh tế hộ gia đình, giúp đỡ nhau về lao động, tiền vốn, tương trợ nhau về làm đất, cấy lúa, gặt, thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, giúp nhau trong khó khăn. Tuy nhiên, nhân dân được tuyên truyền, học tập về mô hình kinh tế THT và các cơ chế chính sách của Nhà nước còn hạn chế. Tổ hợp tác gặp khó khăn trong giao dịch kinh tế; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững.

3. Tình hình phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp.

a) Tình hình liên kết sản xuất.

Phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kinh tế hộ gia đình; các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm đã dần phát triển với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện sản xuất từng huyện, xã. Tuy nhiên các hình thức liên kết này phát triển chậm và còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng giá trị sản phẩm sản xuất, chế biến tiêu thụ qua hợp đồng vẫn còn rất thấp; nhiều mặt hàng là đặc sản của địa phương như na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, rau cải ngồng, cải làn... tiêu thụ qua hợp đồng chiếm tỷ lệ thấp. Trong các mô hình liên doanh, liên kết, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường, nhưng doanh nghiệp thông qua thương lái thu gom nông sản, chưa quan tâm đến phát triển liên kết trực tiếp với nông dân; sự phát triển chậm và yếu của khu vực kinh tế hợp tác đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

b) Chính sách phát triển kinh tế hợp tác.

Chính sách phát triển kinh tế hợp tác bao gồm Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2010 có một số cơ chế chính sách đối với HTX; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Nghị quyết số 122/2013/NQ-HĐND ngày 31/7/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 31/8/ 2013 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc quy định mức chi hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập và các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Nhờ tác động của các chính sách trên, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới và hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, xã viên bước đầu đã tin tưởng vào mô hình kinh tế hợp tác mới; nâng cao sự hiểu biết về kinh tế tập thể trong nông nghiệp đối với cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân; cán bộ quản lý, kỹ thuật HTX, THT nâng cao trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất.

Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ cho việc phát triển HTX, THT và kinh tế hợp tác còn chưa cụ thể, còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ chế hỗ kinh phí.

4. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp

Về tổng thể, trong hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trung hạn và hàng năm chưa có chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác.

Về tổ chức bộ máy và biên chế trong lĩnh vực này chưa được sắp xếp hợp lý. Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại, nhưng Phòng Kinh tế hợp tác và phát triển trang trại hiện nay có 01 trưởng phòng chuyên trách thực hiện chức năng, nhiệm vụ này. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn hiện chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này.

II. ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014-2020

1. Mục tiêu chung.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015; từng bước củng cố, xây dựng phong trào KTTT theo chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác của nông dân, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể.

[...]