Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2016 đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 02/08/2016
Ngày có hiệu lực 02/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 02 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2020

Thực hiện Công văn số 5044/BNN-KTHT ngày 17/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn báo cáo thực trạng công tác đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2011-2016 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2017-2020 như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Các văn bản chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

- Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Liên Bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09/7/2012 của Liên Bộ Tài chính và Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH;

- Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy định về đào tạo thường xuyên,

2. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương đã được điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao đông nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020”. Hiện nay, Đề án vẫn đang được triển khai thực hiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người lao động khu vực nông thôn tỉnh Lạng Sơn nên chưa có sự điều chỉnh lại. Đồng thời, trong quá trình triển khai tỉnh Lạng Sơn đã chủ động ban hành các chính sách, văn bản chỉ đạo của địa phương để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

3. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011 - 2020 đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt, triển khai thực hiện theo Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 30/12/2010 là căn cứ quan trọng để xây dựng nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch đến nay ngành nông nghiệp và PTNT đã thu được một số kết quả nhất định: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 3,62 % (đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mục tiêu 3,5-4%); cơ cấu nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực; đã dần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn bước đầu được đổi mới, chất lượng đời sống của người dân nông thông từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp Lạng Sơn đã và đang bộc lộ nhiều điểm yếu kém, bất cập như: tăng trưởng ngành vẫn mang tính chất lũy kế, kém bền vững và chưa có bước đột phá. Sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún, chưa theo quy luật thị trường; giá trị sản xuất hàng hóa còn thấp. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp hoạt động không theo kịp nhu cầu phát triển, kém hiệu quả… Nguyên nhân của tình trạng trên là do định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp theo quy hoạch trước chưa rõ, không sát với thực tế; nhiều phương án phát triển thiếu tính khả thi, phương án phát triển vùng sản xuất hàng hóa chưa đúng với thực tế…

Trước yêu cầu thực tiễn, để xây dựng thành công nông thôn mới cũng như thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần thiết phải có một định hướng chiến lược phát triển mới, mang tính lâu dài cho ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Do đó UBND tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ năm 2011 - 2020, xây dựng bổ sung định hướng đến 2025.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011-2016

1. Công tác chỉ đạo điều hành của địa phương về đào tạo nghề nông nghiệp

Xác định là một tỉnh miền núi, biên giới với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu do vậy cần tập trung cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nên ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", nhằm tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện Đề án, ngày 20/8/2010 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về tăng cường lãnh đạo triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 02/6/2010 triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ngày 20/01/2011 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020". Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án và xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Các xã, phường, thị trấn thành lập tổ chỉ đạo, phân công các thành viên theo dõi, phụ trách địa bàn. Đã tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị, cấp phát tài liệu sổ tay, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình, kế hoạch của tỉnh đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã tổ chức được hơn 100 hội nghị, lồng ghép tuyên truyền được 157 buổi, phát trên 3.000 sổ tay với trên 350.000 lượt người được phổ biến; các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền được trên 500 tin, bài.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn và các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện (Chi tiết tại phụ lục 1).

2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp

a) Kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 (Chi tiết tại phụ lục 2).

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được 15.568 người, với tổng kinh phí hỗ trợ: 23.355 triệu đồng. Đối tượng là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định, được triển khai rộng khắp ở các xã trên địa bàn tỉnh, số lao động nông thôn học nghề nông nghiệp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn cơ bản bám sát được mục tiêu của Đề án, xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, gắn đào tạo nghề với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động dạy nghề, các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và đáp ứng được toàn bộ những vướng mắc của học viên. Đồng thời việc dạy nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ. Từ đó các học viên nắm chắc và vững những kiến thức, kỹ năng nghề vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình và đã thu được những kết quả nhất định và nhiều hộ gia đình có nguyện vọng và đang thực hiện việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng tại hộ.

Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm do vậy có trên 70 % học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

b) Kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2016, ước thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 (Chi tiết tại phụ lục 3).

Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 4.205 người, 120 lớp, với tổng kinh phí đào tạo 9.700 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã tổ chức được 57 lớp học nghề nông nghiệp cho 1.995 người (đối tượng 1: 1.951 người; đối tượng 2: 14 người; đối tượng 3: 41 người).

[...]