Kế hoạch 96/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 26/02/2021
Ngày có hiệu lực 26/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Trần Xuân Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 26 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 18/12/2020 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ năm 2021 và Nghị quyết số 111/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; cải thiện điểm số và thứ hạng của các chỉ số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2021

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể như sau:

- 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh được công bố công khai; tiếp tục rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính không còn phù hợp, trái với quy định của pháp luật để bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ theo thẩm quyền, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Tất cả các quy hoạch, cơ chế chính sách của tỉnh, địa phương và của ngành, tài liệu về ngân sách chi tiết của tỉnh được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, địa phương.

- Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối với đường giao thông, cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công,...); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống dưới 10 ngày làm việc.

- Thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư giảm xuống còn 05 ngày làm việc.

- Phấn đấu 100% hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giải quyết đúng hạn và trước hạn (không quá 02 ngày làm việc), không có hồ sơ quá hạn.

- Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

- 100% doanh nghiệp kê khai và nộp thuế điện tử; hoàn thuế trước, kiểm tra sau: dưới 6 ngày; kiểm tra trước, hoàn thuế sau: dưới 40 ngày. Đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo đúng quy trình, theo đúng các quy định và giải quyết đúng hạn.

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính: Phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân như (y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Một số giải pháp chủ yếu:

1.1. Giải pháp về chỉ đạo điều hành:

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và địa phương cần tập trung bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021, về hỗ trợ doanh nghiệp; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 hỗ trợ khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính,...; các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh như: Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND tỉnh về ban hành Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 11/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 05/01/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai kế hoạch, đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu nêu trên.

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và địa phương cần tập trung quán triệt và thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, triển khai các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; gắn việc thực hiện cải cách hành chính với nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng. Việc nào của dân và doanh nghiệp còn tồn đọng mà không giải quyết đến kết quả cuối cùng, thuộc chức năng của đơn vị nào thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

- Thực hiện nghiêm Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

1.2. Giải pháp về triển khai thực hiện:

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị và địa phương, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

- Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Kịp thời rà soát, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính liên quan đến chủ trương đầu tư, thủ tục thụ hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn theo hướng gọn nhẹ, đơn giản và đảm bảo đúng quy định.

- Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội bền vững; chủ động bám sát chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương để sớm có những quyết định hoặc đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù quan trọng, tạo môi trường cơ chế chính sách ưu đãi, hấp dẫn thông thoáng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tập trung nghiên cứu, hướng dẫn, phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp biết các cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện, phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để tham gia giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; phân công theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở xử lý trách nhiệm nếu công việc không được giải quyết đến kết quả cuối cùng.

- Tăng cường giải pháp hiệu quả, tạo kênh kết nối, hợp tác giữa các trường đào tạo trên địa bàn tỉnh với các tổ chức đào tạo trong, ngoài nước và với các doanh nghiệp nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nâng cao năng suất lao động, giảm đào tạo với thị trường sử dụng lao động.

[...]