Kế hoạch 6/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 6/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2021
Ngày có hiệu lực 19/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Phùng Hoan
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6/KH-UBND

Nam Định, ngày 19 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2021 CỦA TỈNH NAM ĐỊNH

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 02/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ trong năm 2021 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Trong những năm vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố Nam Định, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với tinh thần chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Hàng năm, tỉnh đã ban hành các chương trình/kế hoạch hành động triển khai có hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Năm 2020, cùng với nỗ lực phòng, chống, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Với sự quyết tâm, phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị, trong năm 2020 tỉnh Nam Định đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:

a) Công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nam Định đi vào hoạt động chính thức rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 của tỉnh đạt 80,7%, xếp hạng 39/63, tăng 5,1% và 01 bậc so với năm 2018.

b) Chỉ số PCI tỉnh Nam Định đạt 65,09 điểm, đứng thứ 33/63 trong cả nước; tăng 2,08 điểm và tăng 02 bậc so với năm 2018, xếp hạng ở nhóm khá của cả nước. Đây là điểm số PCI cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nam Định.

Có 03/10 chỉ số thành phần tăng điểm và tăng hạng: Gia nhập thị trường đạt 8,23 điểm, xếp thứ 3/63; tăng 1,74 điểm và 58 bậc so với năm 2018. Chỉ số này có biến động tăng thứ hạng nhiều nhất trong các chỉ số thành phần. Tính minh bạch đạt 6,55 điểm, xếp thứ 45/63; tăng 1,13 điểm và 17 bậc so với năm 2018. Hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,25 điểm, xếp thứ 31/63; tăng 0,02 điểm và 16 bậc so với năm 2018.

c) Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tình hình thu hút đầu tư năm 2020 của tỉnh Nam Định vẫn đạt được kết quả khá. Trong năm 2020 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 84 dự án (Bao gồm 65 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 3.430,2 tỷ đồng và 54,96 triệu USD. Trong đó: Cấp mới cho 70 dự án đầu tư (55 dự án đầu tư trong nước và 15 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 2.662,2 tỷ đồng và 39,84 triệu USD; Điều chỉnh tăng vốn 14 dự án (10 dự án đầu tư trong nước và 04 dự án FDI) với tổng số vốn tăng là 768 tỷ đồng và 15,12 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2020 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 1.008 dự án (Bao gồm 887 dự án đầu tư trong nước và 121 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 49.602 tỷ đồng và 3.557,8 triệu USD).

d) Thực hiện tốt công tác đăng ký kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 809 doanh nghiệp và 85 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 6.044,7 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh lên 9.520 doanh nghiệp và 782 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 71.778,5 tỷ đồng. Do dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 987 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh; Tuy nhiên năm 2020 toàn tỉnh đã có 263 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã khôi phục hoạt động trở lại, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Rút ngắn thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký thay đổi xuống còn 1,5 ngày (giảm 1,5 ngày so với quy định). Tiếp nhận và giải quyết đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 1,5 ngày làm việc. Tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn đạt 100%; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt khoảng 45%.

3. Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

a) Công tác CCHC tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đạt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Chỉ số Par Index năm 2019 của tỉnh tuy tăng cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2018 nhưng kết quả cải thiện chưa rõ rệt. Một số lĩnh vực của chỉ số Par Index còn ở những thứ hạng thấp như chỉ số Cải cách tài chính công (xếp hạng 54/63); chỉ số Hiện đại hóa hành chính (xếp hạng 46/63).

b) Mặc dù tăng điểm, tăng hạng so với năm 2018, tuy nhiên PCI năm 2019 của tỉnh là 65,09 điểm, thấp hơn mức trung vị của cả nước 0,04 điểm (điểm trung vị cả nước năm 2019 là 65,13 điểm, cao hơn 1,9 điểm so với điểm trung vị năm 2018 là 63,23 điểm).

Có 03/10 chỉ số thành phần tuy tăng điểm nhưng giảm hạng: Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,24 điểm, xếp thứ 40/63, tăng 0,9 điểm nhưng hạ 01 bậc so với năm 2018; Đào tạo lao động đạt 6,87 điểm, xếp thứ 22/63, tăng 0,24 điểm nhưng hạ 06 bậc so với năm 2018; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 6,71 điểm, xếp thứ 26/63, tăng 0,07 điểm nhưng hạ 14 bậc so với năm 2018.

Có 04/10 chỉ số thành phần giảm điểm và giảm hạng: Tiếp cận đất đai đạt 6,28 điểm, xếp thứ 55/63, giảm 0,67 điểm và hạ 34 bậc so với năm 2018; Chi phí thời gian đạt 6,4 điểm, xếp thứ 51/63, giảm 0,64 điểm và hạ 28 bậc so với năm 2018; Chi phí không chính thức đạt 5,8 điểm, xếp thứ 46/63, giảm 1,17 điểm và hạ 37 bậc so với năm 2018; Tính năng động đạt 6,05 điểm, xếp thứ 42/63, giảm 0,46 điểm và hạ 36 bậc so với năm 2018.

c) Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, chưa đảm bảo, thiếu tính đồng bộ giữa các quy hoạch nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Vi phạm đất đai còn diễn biến phức tạp, công tác xử lý các vi phạm tại một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh lao động còn gây bức xúc trong dư luận.

d) Sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư có thời điểm chưa tốt. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ tại một số cơ quan, đơn vị và một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức chưa đạt yêu cầu; vẫn còn có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ.

đ) Việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt còn chậm do phần lớn người dân còn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, có tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tạo động lực tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh, nâng cao thứ hạng quốc gia trên các bảng xếp hạng quốc tế. Triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Nam Định sau khi kết thúc thời gian vận hành thử nghiệm.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu trong năm 2021 tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh tại Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 26/02/2019 của UBND tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 của tỉnh Nam Định, Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 27/02/2020 của UBND tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 của tỉnh Nam Định và Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25/9/2018 của UBND tỉnh nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Nam Định năm 2018 và những năm tiếp theo.

b) Triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch số 120/KH- UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Nam Định chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện cung cấp 85% số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Phấn đấu tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt khoảng 48%. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

d) Tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch số 03/KH- UBND ngày 07/01/2019 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định. Khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính, truyền hình trên địa bàn tỉnh phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện, nước... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

[...]