Kế hoạch 94/KH-UBND thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ năm 2010 đến năm 2015) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 09/07/2010
Ngày có hiệu lực 09/07/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Đào Văn Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 94/KH-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG TỆ NẠN MA TÚY” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2015)

Thực hiện Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010. Ngày 28/10/2009, Bộ Công an có Quyết định số 3422/QĐ-BCA-C11 về việc ban hành Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn địa phương mình. Căn cứ nội dung Đề án, căn cứ tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn xã, phường, thị trấn và kinh nghiệm chỉ đạo, kết quả thực hiện các chuyên đề xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy mà Ban chỉ đạo Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” trên địa bàn Hà Nội (giai đoạn 2010-2015) với những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

1.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy đảng, Chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, các lực lượng quần chúng, huy động các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn tham gia phối hợp phòng, chống tệ nạn ma túy trên địa bàn.

1.2. Tập trung đầu tư nguồn lực cho phường, xã, thị trấn, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp: Tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa làm giảm phát sinh người nghiện; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác cai nghiện và quản lý sau cai, góp phần kiềm chế, tiến tới giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

1.3. Đề án phải được triển khai rộng khắp đến 100% xã, phường, thị trấn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã và BCĐ cấp xã. Thành phố tạo cơ chế và hỗ trợ nguồn lực nhằm duy trì vững chắc và tăng dần số xã, phường, thị trấn “không có tệ nạn ma túy”.

1.4. Phấn đấu đến năm 2015, toàn Thành phố có ít nhất 20% số xã, phường, thị trấn đạt “Không có tệ nạn ma túy” (không có người nghiện ma túy và không có tội phạm ma túy).

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đối với những xã hiện không có tệ nạn ma túy (chưa có người nghiện, chưa có điểm đối tượng hoạt động tội phạm ma túy) (xã trắng), bằng các biện pháp, kiên quyết giữ không để tệ nạn ma túy xâm nhập.

2.2. Đối với những xã, phường, thị trấn ít tệ nạn ma túy (có tiêu chí cụ thể) thì thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm thực hiện đạt “xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”. Phấn đấu mỗi năm tăng 5% số xã, phường, thị trấn “Không có tệ nạn ma túy” so với năm trước.

2.3. Đối với những xã, phường, thị trấn phức tạp về tệ nạn ma túy, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp, phấn đấu mỗi năm giảm 5% số xã, phường, thị trấn phức tạp về tệ nạn ma túy (đưa ra khỏi diện phức tạp).

2.4. Đối với những xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp, phấn đấu mỗi năm giảm 5% số phường, xã, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma túy (đưa ra khỏi diện trọng điểm).

II. CÁC GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

1.1. Tham mưu cho các Cấp ủy đảng, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Thành ủy, Chỉ thị, Kế hoạch của UBND Thành phố về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”.

1.2. Đề nghị đưa nội dung nhiệm vụ công tác phòng, chống ma túy vào Nghị quyết nhiệm kỳ, định kỳ của Đảng bộ, Chi bộ để lãnh đạo chỉ đạo và nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia.

1.3. Đối với Chính quyền các cấp đưa nội dung nhiệm vụ phòng chống ma túy vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

1.4. Đề nghị Ban Văn hóa xã hội, Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn thực hiện tốt chức năng vai trò giám sát hoạt động của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác phòng chống ma túy mà Hội đồng nhân dân, UBND đã giao.

1.5. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, duy trì thực hiện hàng tháng Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn (nơi có nhiều phức tạp về tệ nạn ma túy) phải chủ động báo cáo với Đảng ủy cùng cấp để có biện pháp chỉ đạo giải quyết tệ nạn ma túy, không để phức tạp kéo dài, gây bức xúc dư luận (đề ra tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 9/7/2008 của UBND Thành phố).

1.6. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo các cấp, tăng cường biên chế cho lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma túy và lực lượng tham mưu thường trực của ngành Công an. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, trình độ nghiệp vụ chuyên môn về công tác phòng, chống ma túy cho các lực lượng trên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

1.7. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp quy, cơ chế chính sách, chế độ về công tác phòng, chống ma túy của Thành phố đã ban hành, để đề xuất bổ sung cơ chế chính sách, chế độ mới cho phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động phòng, chống ma túy, phòng ngừa phát sinh tội phạm ma túy và giảm người nghiện ma túy trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

2.1. Các cơ quan báo, đài, đài truyền thanh phường, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, tuyên truyền phản ánh các mô hình, phong trào phòng, chống ma túy, công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy, gương người tốt việc tốt trong phòng chống ma túy, gương người nghiện quyết tâm cai nghiện thành công … của xã, phường, thị trấn, thông qua đó vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống tệ nạn ma túy.

2.2. Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã, Đội Thanh niên Tình nguyện, các hội viên các đoàn thể, tăng cường tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho gia đình, người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy, người sau cai đồng thời làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy ở khu dân cư.

2.3. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch “Phát động Toàn dân tham gia vận động cai nghiện và quản lý sau cai, tái hòa nhập cộng đồng” của Liên ngành thành phố Hà Nội gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” lồng ghép với nội dung của Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn “không có tệ nạn ma túy”.

2.4. Triển khai và nhân rộng các chuyên đề, mô hình, phong trào “phòng chống ma túy từ gia đình”, phong trào xây dựng “Gia đình”, “Tổ dân phố”, “Khu dân cư”, “Xóm, Thôn, Làng” … văn hóa gắn với “không có tệ nạn ma túy” và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của các đơn vị cơ sở, tiến tới xây dựng các xã, phường, thị trấn văn hóa “Không có tệ nạn ma túy”.

[...]