Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2021 về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2021
Ngày có hiệu lực 06/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 06 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Triển khai thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 22/3/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Công văn số 2606/BTTTT-THH-ATTT ngày 15/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch năm 2021;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch ng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy Chính quyền số, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.

Tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư và phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố;

Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nền tảng dữ liệu để triển khai Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền.

Phấn đấu đến năm 2025, Hải Phòng nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước

- 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo thành phố kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- Phấn đấu 100% cuộc họp cấp thành phố, 80% cuộc họp cấp huyện thực hiện họp thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc.

- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- 100% các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành của thành phố và các cơ quan, đơn vị được kết nối, liên thông, tích hp, chia sẻ dữ liệu với nhau và với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của Chính phủ, các Bộ, Ngành thông qua Nn tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP).

- Triển khai xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố và cổng dữ liệu mở (data.haiphong.gov.vn) thành phố để 100% các cơ quan, đơn vị kết nối, tích hợp, chia sẻ, khai thác các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp.

- Vận hành, nâng cấp và hoàn thiện các Hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử thành phố phù hợp với lộ trình của Chính phủ.

- Nâng cấp, mở rộng Hệ thống Hội nghị truyền hình thành phố bảo đảm phục vụ các cuộc họp trực tuyến đến cấp xã.

2. Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- 100% giao dịch trên Hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố được xác thực điện tử.

- 35% đơn vị hành chính cấp xã trở lên triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

- 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền thành phố. Cho phép thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường mạng, ngoại trừ những dịch vụ yêu cầu hiện diện bắt buộc theo quy định pháp luật.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.

- 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm các thiết bị di động.

- Tích hp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các sở, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 25%.

[...]