Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 166/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2022

Số hiệu 166/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2022
Ngày có hiệu lực 14/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Kế hoạch số 205-KH/TU ngày 10/9/2020 của Thành ủy Hà Nội về triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 4097/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Công văn số 3570/BTTTT-THH ngày 16/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ số, Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2022”, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số thành phố Hà Nội.

- Bước đầu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước Thành phố; chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường và công cụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu

a) Cung cấp dịch vụ công

- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4.

- 30% DVCTT được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

- 30% người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

- Phấn đấu 100% các DVCTT mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

- 80% DVCTT mức độ 3, 4 của Thành phố phát sinh hồ sơ.

- 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.

b) Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội

Tối thiểu 20% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.

c) Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước

- 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.

- 50% cơ quan nhà nước của Thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

- 30% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

- 90% hồ sơ công việc tại các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- Cắt giảm thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Thành phố đối với 50% cuộc họp tại UBND Thành phố và áp dụng thực hiện tại 40% cấp huyện trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

- 50% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố được thực hiện trên Hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố phục vụ hiệu quả hoạt động quả lý, chỉ đạo, điều hành UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố; 50% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Thành phố được cập nhật, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

- 40% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Kế hoạch của Thành phố.

- 20% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp quy định pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

[...]