Kế hoạch 93/KH-UBND thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công, viên chức và nhân dân” năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2013
Ngày có hiệu lực 11/06/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Kim Mai
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 11 tháng 6 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN” NĂM 2013 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Thực hiện Công văn số 2303/BTP-PBGDPL ngày 25/3/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2013; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 18/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; để công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục và đạt kết quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện trong năm 2013 với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

- Phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc phát hiện và tố cáo phòng, chống tham nhũng.

- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Yêu cầu:

- Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.

- Chủ động trong công tác chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.

- Gắn việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với việc cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh.

- Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các đối tượng.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Tập trung biên soạn dưới dạng tờ rơi, tài liệu hỏi đáp những vấn đề cơ bản của pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công ước Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng… phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.

Giải pháp thực hiện:

- Thanh tra tỉnh chủ trì biên soạn tài liệu:

+ Tài liệu giới thiệu Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng;

+ Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực thiết thực cho cán bộ, công chức và nhân dân.

- Sở Tư pháp chủ trì biên soạn tài liệu:

+ Hỏi đáp về Luật Phòng, chống tham nhũng dành cho cán bộ, công chức, viên chức;

+ Tờ gấp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng phát cho nhân dân tại một số địa bàn chỉ đạo điểm;

2. Xây dựng mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Xây dựng mô hình điểm ở cấp tỉnh: chọn Sở Tư pháp và xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo làm mô hình điểm; ở cấp huyện: Ủy ban nhân dân cấp huyện chọn 01 phòng hoặc ban và 01 đơn vị cấp xã làm mô hình điểm (chọn phòng, ban trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực).

Giải pháp thực hiện:

a) Đối với mô hình điểm ở cấp tỉnh và cấp huyện:

- Sở Tư pháp phối hợp với Thanh tra tỉnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng và thực hiện mô hình điểm tại cơ quan làm điểm.

[...]