Kế hoạch 87/KH- UBND năm 2009 Thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (giai đoạn từ nay đến năm 2011) do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 87/KH-UBND
Ngày ban hành 14/08/2009
Ngày có hiệu lực 14/08/2009
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Thanh Trung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Mỹ Tho, ngày 14 tháng 8 năm 2009

 

Nhằm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là chiến lược). Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (giai đoạn từ nay đến năm 2011) trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH:

- Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng, nhất là trong quá trình ban hành về tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.

- Tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; từng bước xóa bỏ tệ nạn hối lộ trong quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và trong giao dịch thương mại.

- Nâng cao tính trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

- Nâng cao nhận thức, vai trò xã hội về tham nhũng, về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng; tạo ra thói quen phòng, chống tham nhũng trong đời sống của cán bộ, công chức và trong các tầng lớp nhân dân.

II. YÊU CẦU:

- Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng; mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các Đài Truyền thanh huyện.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân; tập trung rà soát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

- Gắn kết công tác phòng, chống tham nhũng trong mối quan hệ với việc thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước.

III. NỘI DUNG:

1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung chiến lược và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân:

- Biên soạn tài liệu tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng, chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống tham nhũng trong cộng đồng.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chiến lược theo chiều sâu tại cơ quan, đơn vị, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh.

- Đưa nội dung chiến lược vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Thực hiện các chương trình trên báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các Đài Truyền thanh huyện để tuyên truyền về chiến lược.

2. Thực hiện các giải pháp của chiến lược:

a) Công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách, pháp luật:

- Minh bạch hóa quá trình quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Cụ thể hóa và tăng cường kiểm tra nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức ở tất cả các ngành, các cấp và trong các lĩnh vực nhất là trong việc quy hoạch các dự án và thực hiện các chính sách an ninh xã hội;

- Công khai, minh bạch các quyết định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án;

b) Nâng cao chất lượng thực thi công vụ:

- Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng trong hoạt động quản lý;

Quy định chức trách của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và căn cứ vào kết quả thực hiện chức trách đó để đánh giá cán bộ, công chức.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kiên quyết, kịp thời các vi phạm trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức.

- Ban hành quy định miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

- Công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

[...]