Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 29/04/2021
Ngày có hiệu lực 29/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 29 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, TRẺ EM TỰ KỶ VÀ NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH NGƯỜI TÂM THẦN, TRẺ TỰ KỶ VÀ NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hiện nay, theo thống kê số liệu của 15 huyện, thành phố và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, toàn tỉnh quản lý 3.427 đối tượng, trong đó: nữ 1.280 người; người tâm thần có 1.483 người, động kinh 1.868 người, trẻ em tự kỷ 31 người, người rối nhiễu tâm trí 45 người và có 132 trẻ em có biểu hiện tự kỷ qua theo dõi, quan sát của giáo viên tại các trường học (Phụ lục 01); 01 Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng dạng tâm thần, hàng năm nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên trên 120 người tâm thần vô gia cư, không người nuôi dưỡng trong và ngoài tỉnh, 01 Bệnh viện Tâm thần tỉnh trung bình hàng năm điều trị 100 bệnh nhân, các cơ sở y tế đều thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần; tại cộng đồng triển khai thực hiện Chương trình quốc gia chăm sóc người tâm thần tại 143/144 xã; có 948 cộng tác viên ấp, khu phố làm công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 02/11/2011 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 14/7/2016 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 05/6/2018 về việc ban hành Quy trình và mức kinh phí hỗ trợ tập trung người già cô đơn, người cơ nhỡ, trẻ em, người tâm thần, người khuyết tật sống lang thang, xin ăn; người bệnh, người tâm thần bị bỏ rơi tại các bệnh viện đã được điều trị tạm ổn định (kể cả người có quốc tịch nước ngoài) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 về việc quy định mức trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; tổ chức triển khai quán triệt thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,... Các ngành, các cấp, các địa phương đã triển khai trong nội bộ ngành và đến người dân về pháp luật và chính sách đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Tuy nhiên, việc xác định mức độ khuyết tật đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí cấp xã còn gặp khó khăn trong việc xác định dạng tật và mức độ bệnh để xem xét hưởng trợ cấp; công tác giám định y khoa đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí giám định y khoa cao, người dân phải tự đóng kinh phí nên việc thực hiện giám định y khoa cho các đối tượng trên còn hạn chế; một số huyện, thành phố, gia đình thân nhân có người bệnh, người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí chưa quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng, thiếu trách nhiệm hợp tác khi đưa vào cơ sở điều trị, chăm sóc hoặc đưa về hoà nhập cộng đồng, còn kỳ thị ngại tiếp xúc với đối tượng. Công tác tuyên truyền, triển khai đến cộng đồng, người dân chưa được thường xuyên, sâu rộng nhất là gia đình có người tâm thần.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường hỗ trợ về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa các bệnh về tâm thần, tự kỷ và rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ em tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và rối nhiễu tâm trí.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu:

- Hàng năm có khoảng 80% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; 85% trẻ em bị tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp hoặc được giới thiệu đi điều trị tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

- Ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

- 10% người tâm thần, rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; 100% hộ gia đình người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

- 80% người tâm thần và rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

- Hàng năm, ít nhất 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

- Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; thu hút ít nhất 20% người tâm thần, trẻ em tự kỷ tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tham gia văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở.

- Ít nhất 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, cơ sở y tế.

- Ít nhất 30% gia đình có người tâm thần, 30% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Ít nhất 60% cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng được nâng cao năng lực tập huấn, đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

2.2. Giai đoạn 2026-2030:

- Hàng năm có khoảng 90% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; 90% trẻ em bị tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp hoặc được giới thiệu đi điều trị tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

- Ít nhất 90% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

- 20% người tâm thần, rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; 100% hộ gia đình người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

- 90% người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

- Hàng năm, ít nhất 90% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

[...]