Kế hoạch 9179/KH-UBND năm 2021 về Phòng, chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 9179/KH-UBND
Ngày ban hành 16/12/2021
Ngày có hiệu lực 16/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9179/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 16 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Căn cứ Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 07/7/2020 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 4280/KH-UBND ngày 25/6/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Theo đề nghị của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 212/TTr-PCTT ngày 24 tháng 11 năm 2021; Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Nhằm chủ động PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước do thiên tai gây ra; từng bước xây dựng địa phương có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

b) Tăng cường quản lý nhà nước về PCTT, nâng cao năng lực, tính chủ động của cộng đồng trong PCTT, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác PCTT.

c) Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Yêu cầu:

a) Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, năng lực PCTT, xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ của các cấp, các ngành, lực lượng PCTT từ tỉnh đến cơ sở trong công tác PCTT theo nguyên tắc chỉ đạo "đảm bảo chủ động trong phòng ngừa; kịp thời, hiệu quả trong ứng phó; khắc phục khẩn trương, khôi phục, tái thiết bền vững và xây dựng lại tốt hơn".

b) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân và toàn xã hội đối với công tác PCTT, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ”[1] và “3 sẵn sàng”[2] để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

c) Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên, liên tục theo sát diễn biến của thiên tai để phòng ngừa, ứng phó kịp thời, bảo đảm người dân được an toàn trước thiên tai; nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét.

d) Tổ chức, lực lượng làm công tác PCTT được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đáp ứng nhu cầu cứu hộ, cứu nạn và tình hình thực tế tại địa phương.

đ) Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ 4.0 phù hợp với công tác PCTT trong tình hình mới; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu, công tác quan trắc, dự báo, thông tin, thông báo, cảnh báo thiên tai và trang thiết bị về PCTT và TKCN trên địa bàn.

e) Sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; lồng ghép nội dung PCTT trong các chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch của các ngành, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đặc điểm về tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng tỉnh Lâm Đồng:

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, có vị trí từ 11°13’07” đến 12°18’44” vĩ độ Bắc và 107°16’07” đến 108°43’59” kinh độ Đông, có diện tích tự nhiên 9.781,2 km2 (chiếm khoảng 3,1% diện tích cả nước), với 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và các huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Với vị trí địa lý nằm ở phía Nam của khu vực Tây Nguyên, cách đường bờ biển hơn 100km nên tỉnh Lâm Đồng không bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như xâm nhập mặn, sóng thần, nước biển dâng, gió mạnh trên biển; rất ít khi bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai có sức tàn phá lớn như: bão, siêu bão, động đất mà chỉ bị tác động bởi các loại hình thiên tai mang tính đặc thù của khu vực như: hạn hán, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ, lũ quét, lốc, sét, sạt lở đất, sương muối, cháy rừng do tự nhiên...

(Chi tiết theo Chương II, Kế hoạch PCTT tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021- 2025 đính kèm).

2. Tình hình thiên tai, các loại hình thiên tai, đánh giá rủi ro thiên tai

a) Tình hình thiên tai:

[...]