Kế hoạch 9066/KH-UBND năm 2023 về phát triển hệ thống phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 9066/KH-UBND
Ngày ban hành 17/10/2023
Ngày có hiệu lực 17/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9066/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 17 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quyết định 569/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2020

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Đặc điểm kinh tế xã hội

- Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, tổng diện tích tự nhiên 9.781,2 km2. Có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện, 02 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc), với 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường, 13 thị trấn); dân số toàn tỉnh năm 2022 khoảng 1,36 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số sống tại thành thị chiếm 39,27%, dân số sống tại nông thôn chiếm 60,73%; dân tộc thiểu số chiếm 25,7% dân số của toàn tỉnh (đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17%).

- Năm 2022: Tổng sản phẩm trong nước GRDP tăng 12,09% (trong đó: khu vực nông lâm thủy tăng 5,02%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,55%, khu vực dịch vụ tăng 21,21%); cơ cấu kinh tế: ngành nông lâm thủy chiếm 38,62%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 20,38%, ngành dịch vụ chiếm 41%; GRDP bình quân đầu người 77,67 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 14,24%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.382,5 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 886,7 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,88%; tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,0%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93,11%; toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) nông thôn mới (trong đó: có 40 xã nông thôn mới nâng cao; 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu), 07 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Hệ thống y tế

- Y tế công lập: gồm có 03 cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm); 03 đơn vị sự nghiệp hệ dự phòng và y tế khác (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm); 06 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng); 12 trung tâm y tế huyện, thành phố; 20 phòng khám đa khoa (14 phòng khám đa khoa hoạt động lồng ghép với trạm y tế), 01 nhà hộ sinh khu vực và 142 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế các huyện, thành phố quản lý.

- Y tế tư nhân: gồm 644 cơ sở y tế, trong đó có 02 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt quy mô 200 giường, hạng III; Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đà Lạt quy mô 25 giường, hạng III) và 09 phòng khám đa khoa.

- Tính đến tháng 9/2023: số bác sĩ/vạn dân đạt 9,0; số giường bệnh/vạn dân đạt 20,5 (có 184 giường bệnh phục hồi chức năng/tổng số 2.895 giường bệnh kế hoạch toàn tỉnh); 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2020

1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

- Thực hiện Quyết định số 4039/QĐ-BYT ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4702/KH-UBND ngày 11/8/2016 về phát triển phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020, trong đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp và giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành để triển khai thực hiện.

- Để triển khai thực hiện Luật, các chính sách, quy định pháp luật về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Công tác về người khuyết tật tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, ban hành các kế hoạch[1] và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác phát triển phục hồi chức năng và trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

- Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là những cơ quan đầu mối, được giao nhiệm vụ tham mưu, triển khai thực hiện các nội dung về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách... liên quan đến phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. Bệnh viện Phục hồi chức năng là đơn vị được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn về phục hồi chức năng theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Triển khai phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

- Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng từ những năm 1996. Bệnh viện Phục hồi chức năng được giao nhiệm vụ triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng xuống các đơn vị tuyến huyện, xã, thôn bản. 100% trung tâm y tế các huyện, thành phố và các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có cán bộ phụ trách Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (thư ký chương trình). Ngoài ra còn có 1.167 công tác viên phục hồi chức năng cộng đồng là đội ngũ y tế thôn bản hoặc cộng tác viên dân số.

- Định kỳ hằng năm, Bệnh viện Phục hồi chức năng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cộng tác viên, thư ký chương trình về lập kế hoạch điều tra người khuyết tật và phân loại khuyết tật tại cộng đồng; hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà cho người khuyết tật có nhu cầu phục hồi chức năng tại cộng đồng; hướng dẫn người khuyết tật và gia đình lập kế hoạch phát triển cá nhân cho người khuyết tật để người khuyết tật được hỗ trợ các dụng cụ phục hồi chức năng phù hợp với bản thân; khảo sát nhu cầu và hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ trợ giúp; sử dụng phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật và biểu mẫu điều tra thông tin người khuyết tật. Qua đó giúp cho việc quản lý, triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thực hiện có hiệu quả.

- Tại tỉnh Lâm Đồng có 11.358 người khuyết tật trong Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó người khuyết tật được theo dõi là 3.024 người.

- Kinh phí triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020 là 2.067.231.728 đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 239.226.399 đồng; ngân sách địa phương: 1.828.005.329 đồng.

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

a) Kiện toàn, phát triển hệ thống, mạng lưới phục hồi chức năng từ tỉnh đến huyện, xã theo quy định Thông tư số 46/2013/TT-BYT và Thông tư số 24/2021/TT-BYT

- Tuyến tỉnh:

+ Có 1 Bệnh viện Phục hồi chức năng[2] (hạng III, quy mô 100 giường bệnh), là bệnh viện đầu ngành phục hồi chức năng của tỉnh, thực hiện chỉ đạo tuyến cho các đơn vị tuyến huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh.

+ Có 5 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh khác. Trong đó: 03 bệnh viện đã thành lập khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc); 01 bệnh viện có khoa Phục hồi chức năng lồng ghép với khoa khác (Bệnh viện II Lâm Đồng); 01 bệnh viện chưa có khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Nhi Lâm Đồng).

[...]