Kế hoạch 904/KH-UBND thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2019

Số hiệu 904/KH-UBND
Ngày ban hành 07/05/2019
Ngày có hiệu lực 07/05/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Thanh Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 904/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 07 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT, TRỢ GIÚP VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG VÀ CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2019

Căn cứ Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 16/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 1019);

Căn cứ Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 19/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1215);

Căn cứ Kế hoạch số 535/KH-UBND ngày 07/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các Đề án trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2019, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật (NKT); tạo môi trường thân thiện để NKT có khả năng tiếp cận đến hệ thống chính sách và các dịch vụ; đồng thời hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí bị tâm thần;

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện Công ước phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động trong Kế hoạch phải bám sát nội dung Quyết định số 2436/QĐ-UBND, Quyết định số 2692/QĐ-UBND và Công ước Liên hợp quốc về Quyền của NKT; lựa chọn các hoạt động cần thiết triển khai kịp thời đáp ứng nhu cầu trợ giúp của NKT;

- Các hoạt động phải cụ thể, không trùng lắp với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác; các sở, ban, ngành có liên quan phải phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện theo đúng nội dung nêu trong Kế hoạch.

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Công tác tuyên truyền

- Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách, chế độ đối với NKT. Tăng cường các chiến dịch truyền thông về NKT nhân Ngày người khuyết tật thế giới (3/12) hàng năm.

- Nêu gương những tập thể, cá nhân tích cực trong công tác trợ giúp NKT và NKT tiêu biểu; phòng chống phân biệt đối xử với NKT.

- Vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp NKT, giúp NKT xóa bỏ mặc cảm tự ti, phát huy trách nhiệm, hòa nhập cộng đồng; các hoạt động truyền thông đảm bảo NKT có thể tiếp cận được.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCN-DVCĐ, để mọi người biết cách chủ động phát hiện sớm, phòng ngừa khuyết tật và những NKT được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN cũng như các dịch vụ của cộng đồng.

- Nâng cao nhận thức về khuyết tật cho cán bộ và bản thân NKT thông qua các lớp tập huấn về bình đẳng trong vấn đề tiếp cận khuyết tật, tiếp cận, quyền của NKT và vận động chính sách, kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm. Tổ chức sự kiện “Một thế giới cho tất cả” để mọi người có quan điểm đúng đắn trong vấn đề trợ giúp theo mô hình xã hội, giúp xây dựng nền tảng cho một môi trường thân thiện với NKT trong tương lai từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD);

- Tập huấn về bình đẳng giới và bạo lực giới với NKT cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực NKT và thân nhân NKT, qua đó, tuyên truyền các chính sách trợ giúp NKT, quyền và trách nhiệm của NKT đến cán bộ, người dân, gia đình và bản thân NKT; tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử đối với NKT là phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số từ sự hỗ trợ của Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH);

- Truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khuyết tật trẻ em và mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em; tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao cho đội ngũ cán bộ nguồn, cán bộ cộng đồng và các phụ huynh/người chăm sóc trẻ khuyết tật và mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth).

2. Hoạt động chăm sóc sức khỏe

- Đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện sớm, kịp thời để giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, tai nạn thương tích và khuyết tật do các nguy cơ khác; tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho NKT;

- Thực hiện các hoạt động sàng lọc tại cộng đồng, phân loại đánh giá trẻ có nghi ngờ khuyết tật; khám, chẩn đoán; phục hồi chức năng, can thiệp giáo dục đặc biệt cho trẻ từ 0 - 6 tuổi từ sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth);

- Nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật từ 0 - 6 tuổi, đồng thời hướng đến việc đảm bảo cho trẻ phát triển, giáo dục và hòa nhập xã hội của trẻ thông qua việc triển khai mô hình toàn diện về phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em;

- Tổ chức các hoạt động khám lâm sàng và lên kế hoạch trị liệu, NKT được khám sàng lọc, hỗ trợ tập phục hồi chức năng, trị liệu và các hỗ trợ trực tiếp khác như dịch vụ vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, dụng cụ trợ giúp từ sự hỗ trợ của Tổ chức VNAH;

[...]