Kế hoạch 90/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2021
Ngày có hiệu lực 30/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Lê Hồng Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Sơn La, ngày 30 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 06-NQ/TU NGÀY 21/01/2021 CỦA BCH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 37/TTr-SCT ngày 16/3/2021. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chế biến nông sản (CBNS) tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

1.1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

1.2. Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh phát triển các ngành hàng công nghiệp chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cao, làm cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc vào năm 2025.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 6.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 9,5%/năm. Mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản theo giá so sánh đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

2.2. Thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến hiện có. Hình thành tại các huyện, thành phố ít nhất 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu.

2.3. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 166 triệu USD, tăng 78% so với năm 2020, tốc độ tăng bình quân 12%/năm. Đến năm 2030 giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt trên 300 triệu USD.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp

1.1. Chế biến cà phê: Cơ cấu lại các cơ sở, nhà máy chế biến kém hiệu quả, kiên quyết xử lý, yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sơ chế cà phê tươi gây ô nhiễm môi trường.

Thu hút các nhà đầu tư tiềm năng có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê đầu tư mới một số nhà máy chế biến cà phê có quy mô trên 200 tấn quả tươi/ngày gắn với chế biến sâu tại địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Thành phố Sơn La. Giá trị xuất khẩu cà phê đạt khoảng 100 triệu USD.

1.2. Chế biến chè: nâng cấp, đổi mới công nghệ, đầu tư chế biến sâu và đa dạng, tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị xuất khẩu. Thu hút đầu tư mới dự án chế biến sâu các sản phẩm chè tại khu vực huyện Mộc Châu, Vân Hồ.

Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng chè thương phẩm đạt 11.000 tấn, trong đó 15-20% sản phẩm chế biến sâu, 5% sản phẩm chè chế biến thủ công mang tính truyền thống tạo ra sản phẩm chè đặc sản có giá trị kinh tế cao, áp dụng cho vùng chè đặc sản như chè Tà Sùa, San Tuyết... gắn với sản phẩm OCOP, phục vụ du lịch. Giá trị sản phẩm chè tham gia xuất khẩu ước đạt 26 triệu USD.

1.3. Sản xuất đường: Duy trì 01 Nhà máy đường Mai Sơn, nâng cấp dây truyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện nhà máy sản xuất điện sinh khối đấu nối vào đường dây truyền tải quốc gia để tăng thu nhập. Phấn đấu năm 2025, sản lượng đường của nhà máy đạt 78.500 tấn, sản lượng điện sinh khối đạt 96 triệu KW.

1.4. Chế biến sắn: Phát huy hết công suất 02 nhà máy sản xuất tinh bột sắn hiện có tại Mai Sơn. Hoàn thành đi vào hoạt động các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại địa bàn huyện Thuận Châu, Sông Mã với dây truyền sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo môi trường; nhà máy chế biến đường lỏng Gluco từ sắn. Thu hút đầu tư 01 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm biến thể từ sắn. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng tinh bột sắn ước đạt 130.000 tấn, giá trị xuất khẩu khoảng 30 triệu USD.

2. Phát triển công nghiệp chế biến rau, quả

Hoàn thành đi vào hoạt động tối đa công suất các nhà máy chế biến rau, quả đã và đang đầu tư “Nhà máy chế biến Chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH; Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La tại huyện Mai Sơn).”

Thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư các cơ sở thu gom, bảo quản, đóng gói, nhà máy chế biến rau, quả tại khu công nghiệp Mai Sơn, Vân Hồ và cụm công nghiệp các huyện Yên Châu, Thành phố, Mường La, Thuận Châu, Sông Mã, ưu tiên chế biến các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.

Khuyến khích phát triển mới, mở rộng quy mô các cơ sở chế biến rau, quả quy mô tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, như: sản phẩm quả sấy dẻo, ômai, mứt, nước quả cô đặc, rượu ngâm, nước ép rau, quả,...

3. Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản

3.1. Chế biến sản phẩm từ sữa bò: Thu hút đầu tư dự án chế biến sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại huyện Mộc Châu với công nghệ chế biến sữa hiện đại, tự động với công suất 500 triệu lít sản phẩm/năm. Khuyến khích các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất các sản phẩm sữa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

3.2. Chế biến sản phẩm từ thịt, thủy sản: Thu hút đầu tư nhà máy chế biến trứng cá tầm gắn với vùng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Đẩy mạnh cơ cấu lại, hình thành các cơ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ tại các khu vực có đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng quy trình, đảm bảo môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến các sản phẩm thực phẩm đặc sản của địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

4. Công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm: Khuyến khích phát triển hình thành mới và nâng cấp các cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến, chiết xuất dược phẩm, dược liệu trên địa bàn các huyện, thành phố bảo đảm theo các tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng quy hoạch trồng dược liệu tập trung.

[...]