Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2021
Ngày có hiệu lực 26/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Phú Yên, ngày 26 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG VÀ HỆ THỐNG THÔNG TIN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tuyên truyền về an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Phú Yên xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của địa phương về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, điều hành giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.

- Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa giao thông, xử lý các tình huống khi tham gia giao thông; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.

- Đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền và thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ hoặc nghỉ giữa giờ khi làm việc, học tập.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện trách nhiệm phát ngôn, chủ động và tích cực phối hợp thông tin với báo chí khách quan, minh bạch để báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là vấn đề nóng dư luận quan tâm. Các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo kịp thời trong công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ, thường xuyên, đúng với tính chất, đặc điểm và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Đối tượng tuyên truyền

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại rượu, bia trong toàn thể Nhân dân, trong đó tập trung các đối tượng: nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng nông thôn; nhóm đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

4. Mục tiêu đến năm 2025

- Đối với các cơ quan báo, Đài: 100% các cơ quan báo, đài địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Thiết lập chuyên trang, trang Mạng xã hội tuyên truyền về an toàn giao thông thu hút người truy cập, tiếp cận thông tin.

- Đối với hệ thống thông tin cơ sở: 80% các hệ thống thông tin cơ sở tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương, vùng miền để đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường và các hình thức khác.

- Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông hoặc được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Phổ biến, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Tuyên truyền về văn hóa giao thông, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các nước trên thế giới.

3. Trong an toàn giao thông đường bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.

Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

4. Trong an toàn giao thông đường thủy: Thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy nâng cao điều kiện bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, kiểm định định kỳ an toàn kỹ thuật phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.

5. Trong an toàn giao thông đường sắt: Tiếp tục tuyên truyền quy tắc an toàn giao thông đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các thanh chắn ngang đường sắt, đèn báo hiệu tại các điểm nút giao. Tuyên truyền để người dân không buôn bán, họp chợ, phơi nông sản, lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt, mở các lối đi đường ngang tự phát.

6. Trong an toàn giao thông hàng không: Tuyên truyền về văn hóa giao thông hàng không; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ có liên quan; hình thức xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm an toàn hàng không.

7. Trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.

[...]