Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2015 triển khai Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 04/08/2015
Ngày có hiệu lực 04/08/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 04 tháng 08 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

 TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với một số nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa phát triển bền vững, thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Thừa Thiên Huế vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về lối sống văn hóa, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp có tính đặc thù của vùng văn hóa Huế; xây dựng và phát triển thể chất, tâm hồn, trí tuệ, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

b) Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc gìn giữ và xây dựng môi trường văn hóa; xem văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc kết nối các hoạt động nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển văn hóa góp phần thúc đẩy, hoàn thiện nhân cách con người Thừa Thiên Huế.

c) Quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội; chú trọng xây dựng truyền thống đặc trưng của gia đình Huế; kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên đối với gia đình và xã hội.

d) Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tạo sự chuyển biến về nhận thức và tích cực tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

đ) Chú trọng xây dựng con người mới phát triển mọi mặt về thể chất, tầm vóc; quan tâm xây dựng truyền thống đặc trưng của gia đình Huế: Hiếu thuận, lễ nghĩa trong nuôi dạy, chăm sóc con cái.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ

1. Tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

a) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 23-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

b) Tích cực thực hiện công tác thông tin tuyên truyền Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, đơn vị, địa phương; các hoạt động cổ động trực quan, trên hệ thống thông tin đại chúng, hệ thống tuyên truyền lưu động tại địa phương; thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai Nghị quyết, tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt trong từng thành phần xã hội.

2. Tập trung xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện

a) Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho các giá trị văn hóa tốt đẹp thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa.

Triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, diện mạo văn hóa của khu vực nông thôn và đô thị, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi người dân; phát huy tính tích cực, gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, hủ tục, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

b) Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền Đề án “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống Huế, giáo dục đạo đức, lối sống, quan hệ ứng xử cho các thế hệ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; hình thành nếp sống văn minh công cộng, xây dựng văn minh công sở; xây dựng môi trường văn hóa trong các trường học, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông...

c) Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tập trung giáo dục, rèn luyện học sinh các cấp về nhân cách, đạo đức, lý tưởng, lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các cơ sở giáo dục nhằm xây dựng mỗi trường học trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục của mỗi địa phương, là nơi rèn luyện con người mới; đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập. Chú trọng giáo dục lịch sử dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Huế, đạo lý làm người, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, giáo dục lối sống văn minh, quan hệ ứng xử nơi công cộng.

d) Chú trọng, tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục, khoa học, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong thanh thiếu niên; tạo môi trường phát triển toàn diện trí lực cho giới trẻ, xây dựng lớp thanh thiếu niên năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tự nguyện để rèn luyện kỹ năng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự quan tâm đến các đối tượng khó khăn trong xã hội.

đ) Tiếp tục triển khai hiệu quả và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đẩy mạnh các hoạt động thể thao phong trào trong các tầng lớp nhân dân; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Thừa Thiên Huế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

a) Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, hướng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền về cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Từng bước mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, quy hoạch và phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa có cạnh tranh, gắn kết chặt chẽ văn hóa với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tạo sự ổn định về chính trị tư tưởng. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa phát triển theo hướng công nghiệp phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước.

b) Tổ chức khảo sát, kiểm kê, phân loại các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình trình diễn nghệ thuật dân gian trở thành sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch; trong đó, chú ý phát huy thế mạnh của nghệ thuật âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, Ca Huế, Tuồng Huế, múa hát cung đình Huế, các làn điệu dân ca, hò vè, hát ru, âm nhạc, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của vùng đất Thừa Thiên Huế. Xây dựng các làng nghề truyền thống tạo điểm tham quan hấp dẫn, là nơi cung cấp các sản phẩm lưu niệm độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng vùng đất Cố đô Huế, như: Phường Đúc, hoa giấy Thanh Tiên, Đan lát Bao La, điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích...

c) Gắn kết các hoạt động văn hóa, lễ hội với phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế văn hóa Huế; tổ chức các hoạt động kỷ niệm các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước gắn với quảng bá văn hóa Huế.

[...]