Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2020 về triển khai tiêm vắc xin HPV phòng bệnh ung thư cổ tử cung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 85/KH-UBND
Ngày ban hành 18/05/2020
Ngày có hiệu lực 18/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Cao Tường Huy
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:85/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 18 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN HPV PHÒNG BỆNH UNG THƯ CỔ TỬ CUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2021- 2025

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA TIÊM VẮC XIN HPV PHÒNG UNG THƯ CỔ TỬ CUNG CHO TRẺ EM GÁI DỰA VÀO HỆ THỐNG TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG.

1. Gánh nặng bệnh ung thư cổ tử cung

Bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng, trong đó bao gồm bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC). Theo ước tính của Cơ quan nghiên cứu ung thư toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, UTCTC là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trên toàn cầu. Mỗi năm, ước tính khoảng 569.847 phụ nữ mắc bệnh và 311.365 người chết vì căn bệnh này[1].

Ở Việt Nam cùng theo ước tính năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 4.177 trường hợp mắc UTCTC mới được phát hiện hàng năm. So sánh với các bệnh ung thư ở nữ giới ở mọi lứa tuổi, UTCTC đứng thứ bảy, tuy nhiên trong nhóm phụ nữ 15- 44 tuổi, tỷ lệ UTCTC đứng thứ ba. Theo đó, Việt Nam có khoảng hơn 37 triệu phụ nữ đứng trước nguy cơ mắc căn bệnh này. Hàng năm, có khoảng 2.420 người bệnh tử vong do UTCTC hay mỗi ngày có khoảng 7 phụ nữ tử vong do căn bệnh này1. Theo ước tính, vào năm 2025, số phụ nữ tử vong hàng năm do UTCTC sẽ tăng lên hơn 4.000 trường hợp nếu không có giải pháp hiệu quả cho thực trạng này[2].

2. Sự cần thiết triển khai vắc xin HPV phòng UTCTC cho trẻ em gái

Nhiễm vi rút gây u nhú ở người (tên tiếng Anh là Human papillomaviruses, viết tắt là HPV) đã được xác định là nguyên nhân chính gây ra bệnh UTCTC. Ngoài gây ra UTCTC, HPV còn là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư khác như ung thư hậu môn, bộ phận sinh dục và ung thư hầu miệng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu nên thường dẫn đến nhiễm HPV dai dẳng hoặc tái diễn và đó chính là nguy cơ tiến triển thành UTCTC. Trong khi đó, chi phí điều trị UTCTC rất tốn kém, có thể dao động từ 368 - 11.400 USD tùy thuộc vào loại bệnh viện và phương pháp điều trị[3].

Dự phòng nhiễm HPV cũng chính là dự phòng UTCTC và các bệnh do HPV gây ra và biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc xin HPV. UTCTC là một trong rất ít bệnh ung thư mà hiện nay đã có vắc xin dự phòng. Các nghiên cứu đã cho thấy tiêm vắc xin HPV có thể phòng ngừa được khoảng 70% các trường hợp UTCTC. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin HPV còn phòng được các bệnh ung thư, viêm loét hậu môn sinh dục (mụn cóc sinh dục và sùi mào gà). Hiệu quả của vắc xin HPV đạt mức cao nhất khi tiêm cho trẻ em từ 9 - 15 tuổi.

3. Vắc xin HPV và tình hình triển khai trên thế giới và tại Việt Nam

3.1. Vắc xin HPV và tình hình triển khai trên thế giới:

Trên thế giới, có 3 loại vắc xin HPV để dự phòng các bệnh liên quan đến các típ HPV nguy cơ cao, bao gồm: Vắc xin tứ giá (được cấp phép lần đầu tiên vào 2006), vắc xin nhị giá (cấp phép năm 2007) và vắc xin cửu giá (cấp phép năm 2014). Các vắc xin HPV được sản xuất bằng sử dụng kỹ thuật tái tổ hợp ADN, nên không chứa các sản phẩm sinh học sống là ADN của vi rút, do đó không có khả năng lây nhiễm.

Vắc xin HPV được chỉ định cho trẻ em và phụ nữ tuổi từ 9-26. Trong đó, đối tượng ưu tiên thứ nhất là trẻ em gái từ 9-14 tuổi, trước tuổi quan hệ tình dục. Vắc xin HPV cũng được chỉ định cho trẻ em trai.

Các bằng chứng hiện nay cho thấy các loại vắc xin HPV cho kết quả tương đương về tính hiệu quả, hiệu lực và tính sinh miễn dịch để dự phòng UTCTC gây ra chủ yếu bởi vi rút HPV tip 16 và 18. vắc xin HPV làm sự giảm bất thường ở cổ tử cung, giảm mức độ nặng của bệnh, và làm giảm tỷ lệ hiện nhiễm các tip HPV nguy cơ cao gây UTCTC ở phụ nữ trẻ. Ngoài ra các vắc xin có chửa các tip HPV 6, 11 có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ mới mắc sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục. Cụ thể, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả của vắc xin HPV trong dự phòng tổn thương cổ tử cung liên quan đến HPV típ 16 và 18 là 93,2% đối với vắc xin nhị giá, và 96,0% đối với vắc xin tứ giá. Hiệu quả của vắc xin tứ giá phòng sùi mào gà/ mụn cóc sinh dục liên quan đến HPV típ 6 và 11 là 99,0%

Vắc xin HPV có độ an toàn cao. Các phản ứng sau tiêm vắc xin HPV thông thường là nhẹ và xuất hiện trong một thời gian ngắn. Kết quả đánh giá của Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn của vắc xin (GACVS) cho thấy đến nay chưa có bất kỳ phản ứng sau tiêm vắc xin HPV có thể làm thay đổi khuyến nghị về sử dụng vắc xin HPV.

Tháng 4/2009, tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước nên đưa việc tiêm vắc xin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tính đến tháng 12 năm 2015 hơn 200 triệu liều vắc xin HPV đã được phân phối sử dụng trên toàn cầu. Đến tháng 6 năm 2017, có 90 nước (41%) đã đưa vắc xin HPV vào chương trình TCMR quốc gia cho trẻ em, trong đó 79 nước tiêm cho trẻ em gái và 11 nước tiêm cho cả trẻ em trai. Trong đó khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm các nước: Australia (2007), Malaysia (2010), Philippines (2015), Thái Lan (2017), Indonesia và Lào sẽ đưa vào trong năm 2019[4].

3.2. Tình hình triển khai vắc xin HPV tại Việt Nam

Tại Việt Nam, có 2 loại vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC) được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 7/2008, bao gồm:

- Vắc xin HPV nhị giá (Cervarix), chứa 2 tip HPV 16 và HPV 18, có tác dụng phòng khoảng 70% các trường hợp UTCTC.

- Vắc xin HPV tứ giá (GARDASIL), chứa 4 tip HPV 6, HPV 11, HPV 16 và HPV 18, ngoài tác dụng phòng khoảng 70% các trường hợp UTCTC, còn phòng được các bệnh viêm loét hậu môn sinh dục (mụn cóc sinh dục và sùi mào gà).

Ở Việt Nam vắc xin HPV đã được tiêm trong tiêm chủng dịch vụ từ 2008, vắc xin HPV có giá thành rất cao (khoảng 60 đô la Mỹ/1 liều), vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân và chỉ có một số ít người ở các thành phố lớn mới có khả năng tự chi trả chi phí cao cho việc tiêm vắc xin HPV. Cho đến nay số người đã được tiêm vắc xin HPV còn rất hạn chế.

Với sự tài trợ của tổ chức PATH, năm 2009 và 2010 Việt Nam đã triển khai Dự án nghiên cứu mô hình tiêm vắc xin HPV cho trẻ em gái (tiêm tại trường học và tiêm tại trạm y tế). Đã có 13.374 trẻ em gái 10 tuổi tại 2 tỉnh Cần Thơ và Thanh Hóa được tiêm vắc xin HPV. Dự án đã được triển khai trên 3 khu vực: nông thôn, miền núi và thành thị. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng đạt cao ở cả hai chiến lược tiêm chủng tại trường học và tiêm chủng tại cơ sở y tế.

4. Tính khả thi, sự thuận lợi để tiếp cận triển khai tiêm vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái tại tỉnh Quảng Ninh

Những điều kiện thuận lợi để để tiếp cận triển khai tiêm vắc xin HPV phòng UTCTC cho trẻ em gái tại tỉnh Quảng Ninh bao gồm:

- Giá vắc xin HPV: Để hỗ trợ các nước trong việc phòng bệnh ung thư cổ tử cung, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới đã đàm phán để có thể cung ứng vắc xin HPV cho Việt Nam tiêm miễn phí cho trẻ em gái với giá khoảng 4,5 - 5,0 USD/liều (thấp hơn giá vắc xin hiện nay tại Việt Nam khoảng 10 lần), tính đầy đủ chi phí dịch vụ, kiểm định, vận chuyển bảo quản đến trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bảo hiểm.... ước tính giá vắc xin HPV khoảng 6,5 USD/ 1 liều. Đây là một cơ hội rất tốt để tăng khả năng tiếp cận với vắc xin HPV- một giải pháp can thiệp hiệu quả để phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

- Khả năng đầu tư của tỉnh: Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện cho thấy một số tỉnh/thành phố có khả năng bố trí nguồn lực địa phương cho triển khai tiêm chủng miễn phí vắc xin HPV phòng UTCTC cho trẻ em gái trong hệ thống sẵn có của chương trình TCMR.

- Năng lực của hệ thống tiêm chủng mở rộng (TCMR): Tại Việt Nam, chương trình TCMR đã được thiết lập và triển khai hơn 30 năm trên quy mô toàn quốc. Chương trình TCMR hiện nay đang triển khai nhiều loại vắc xin và có rất nhiều kinh nghiệm trong triển khai tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế và tiêm chủng chiến dịch bao gồm tiêm chủng tại các trường học. Hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản và vận chuyển vắc xin bao gồm thiết bị lạnh và con người từ tuyến Trung ương, khu vực, tỉnh, huyện và xã đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch quy mô lớn. Trong năm 2019 và 2020, Chương trình TCMR đã có kế hoạch bổ sung, thay thế một số thiết bị lạnh ở tuyến tỉnh và huyện đảm bảo đáp ứng nhu cầu bảo quản, vận chuyển vắc xin bao gồm việc bổ sung vắc xin mới trong TCMR.

5. Căn cứ pháp lý

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ