Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 294/KH-UBND năm 2022 về khám, sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 294/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 294/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHÁM, SÀNG LỌC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG, UNG THƯ VÚ TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thực hiện Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam; Quyết định số 2779/QĐ-BYT ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025; Quyết định 155/QĐ- TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025; UBND tỉnh ban hành kế hoạch khám, sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành y tế trong công tác chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, chú trọng chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

- Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng; củng cố mạng lưới khám sàng lọc và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư vú; ưu tiên triển khai các giải pháp can thiệp nhằm giảm tỷ lệ mắc mới, tỷ lệ tử vong của phụ nữ liên quan ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Qua đó, từng bước giảm sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe của phụ nữ giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng ưu tiên; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các cấp theo hướng chuyên sâu.

- Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần tích cực, chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

- Xác định rõ đối tượng can thiệp là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ người thuộc đối tượng nguy cơ được phát hiện sớm ung thư (ung thư cổ tử cung, ung thư vú là 40% (Theo chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025). Trong đó, cần ưu tiên đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc ít người.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thông qua hoạt động khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú cho các phụ nữ trong độ tuổi 21-65, ưu tiên cho nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi 30-50 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2022-2025; nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường vai trò và năng lực của mỗi người dân trong việc phòng, chống các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2025:

Mục tiêu 1: 40% phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi 30-50 được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Mục tiêu 2: 70% người dân hiểu biết về bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú, cũng như các nguyên tắc phòng, chống bệnh này

Mục tiêu 3: 90% cán bộ thực hiện công tác phòng, chống bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú được đào tạo và tập huấn về dự phòng, giám sát phát hiện, quản lý theo quy định.

III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Nhóm giải pháp về truyền thông vận động và truyền thông giáo dục sức khỏe

- Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vu cho các nhà hoạch định chính sách, người làm công tác quản lý ở các cấp, các đại biểu dân cử, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản... Huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú;

- Chú trọng truyền thông nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi trong dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nâng cao kiến thức, thực hành của phụ nữ và cộng đồng về công tác dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú;

- Đa dạng hình thức truyền thông, phát triển các loại tài liệu truyền thông thích hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đến đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi vùng miền, nhóm dân tộc. Nâng cao năng lực truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ ở các tuyến và truyền thông viên tại cộng đồng. Kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở cung cấp dịch vụ;

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức và hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử. Ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, SMS, mạng xã hội, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác, sân khấu tương tác...

2. Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý về hoạt động dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

- Cần có chính sách thu hút nhân lực sản- nhi làm việc tại vùng khó khăn; chính sách thực hiện nghĩa vụ xã hội đối với các cán bộ làm việc tại các cơ sở y tế tuyến trên; chính sách nhằm nâng cao vai trò vị thế của hộ sinh;

- Tăng cường năng lực quản lý/quản trị mạng lưới Chăm sóc sức khỏe sinh sản về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú tại các tuyến;

- Đẩy mạnh và cải thiện chất lượng công tác chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa, lưu ý hoạt động dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú; tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú ... ở các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập, y tế tư nhân;

- Tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hoạt động giữa các ngành, các tổ chức liên quan, các địa phương, các đối tác phát triển trong nước và quốc tế trong việc triển khai các mô hình can thiệp có hiệu quả về dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

3. Nhóm giải pháp về đảm bảo tài chính

[...]