Kế hoạch 84/KH-UBND về tổ chức thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 84/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hòa Bình
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2022 “THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19, TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP”

Thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 1111/2020/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 07 tháng 4 năm 2021 của Thành ủy về đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Kết luận Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 khóa XI về chủ đề năm 2022 của Thành phố “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện chủ đề năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022 của Thành phố.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 1111/2020/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 33/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 07-CT/TU và Kết luận của Thành ủy.

- Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Yêu cầu

Xác định nội dung từng công việc thực hiện, phân công trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân, liên quan, tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 của Thành phố.

II. NỘI DUNG

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố, tập trung triển khai đảm bảo tiến độ 49 nội dung, chương trình đề án trong 03 chương trình đột phá về đối mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, 01 chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố. Thường xuyên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế; có kế hoạch cụ thể, phân công chuẩn bị và trình các đề án trong Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Triển khai hiệu quả Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế Thành phố; tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư, trên tất cả các phương diện (cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế,...), góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Tham mưu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022; trong đó:

3.1. Về xây dựng chính quyền đô thị: Tập trung thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ, xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh của thành phố Thủ Đức, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức; triển khai xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông theo Kế hoạch đã đề ra.

3.2. Về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp: Tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các tiêu chí còn hạn chế, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong xếp hạng chỉ số PCI năm 2022; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân tốt hơn; tăng tỷ lệ và nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo thực chất; phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Thành phố.

3.3. Xây dựng và ban hành Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DCCI) của Thành phố nhằm giúp cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đổi mới công tác lập kế hoạch, giám sát triển khai, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, chủ động tiếp cận và hỗ trợ giải quyết các tồn tại và thách thức về thể chế, khung pháp lý, môi trường khởi nghiệp, kinh doanh cũng như những khó khăn vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.

4. Tập trung lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đồng bộ với việc hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các chương trình, dự án phát triển hạ tầng Thành phố; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy: Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị; triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU của Thành ủy về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, trong đó xây dựng kế hoạch triển khai, đề ra lộ trình, mục tiêu thực hiện cụ thể từng năm và phân công đơn vị, cá nhân phụ trách rõ ràng làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

5. Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, địa phương rà soát bổ sung các quy chế, quy định cụ thể nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương; phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong công tác quản lý nhà nước, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; từng sở, ngành, thành phố Thủ Đức, quận, huyện xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách khoa học, khách quan, phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác, làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ được quy hoạch; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện cán bộ; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo quản lý, những trường hợp không đủ năng lực đảm nhận nhiệm vụ thì kiên quyết thay thế dù còn trong thời gian bổ nhiệm. Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt là đối với người đứng đầu Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận và phường trong việc thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của Nhân dân khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

- Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy; huy động hệ thống chính trị cùng tham gia, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại địa phương, đơn vị; trong tổ chức thực hiện, phường, xã, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”, người dân phải thật sự là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, chủ thể trong phòng, chống dịch.

- Ưu tiên đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch được tiến hành lâu dài, thường xuyên trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K, đề cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ thông tin.

1.2. Về nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị

- Rà soát, đánh giá, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị định số 33/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14, Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức và huyện Cần Giờ, các chỉ thị của Thành ủy và kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Tham mưu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Triển khai Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh ngay khi Chính phủ ban hành.

[...]