Kế hoạch 84/KH-UBND về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố năm 2018 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 84/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2018
Ngày có hiệu lực 04/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Công Trưởng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) VÀ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH, UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ NĂM 2018

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh đạt 53 điểm, xếp vị trí thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2016; xếp thứ 9/14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc; có 07/10 chỉ số tăng điểm, nhưng không đáng kể: “Tiếp cận đất đai” (+ 0,43), “Tính minh bạch” (+ 0,07), “Chi phí thời gian” (+ 0,68), “Cạnh tranh bình đẳng” (+ 0,02), “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (+ 0,8), “Đào tạo lao động” (+0,85), “Thiết chế pháp lý” (+ 1,36); có 03/10 chỉ số giảm điểm: “Tính năng động của chính quyền tỉnh” (-0,28), “Gia nhập thị trường” (- 1,96), “Chi phí không chính thức” (- 0,6).

Tổng hợp cơ sở dữ liệu khối sở, ban, ngành về điểm chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (DDCI) năm 2017 được xếp từ cao xuống thấp theo thứ tự: “Chi phí thời gian”, “Thiết chế pháp lý”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, “Chi phí không chính thức”, “Vai trò người đứng đầu” và “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. 02/06 chỉ số thành phần đạt điểm cao hơn điểm trung vị PCI 2016 cả nước là: “Cạnh tranh bình đẳng” và “Thiết chế pháp lý”.

Điểm trung vị của khối sở, ban, ngành năm 2017 đạt 55.01 điểm, giảm 1.28 điểm so với điểm số PCI 2016 của tỉnh và còn kém 3.19 điểm so với trung vị PCI toàn quốc năm 2016. Nhận định ban đầu cộng đồng doanh nghiệp còn những điểm chưa hài lòng với hoạt động điều hành kinh tế của khối sở, ban, ngành tỉnh năm 2017.

Đối với 06 huyện, thành phố thực hiện thí điểm năm 2017, điểm các chỉ số thành phần DDCI được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp bao gồm: “Cạnh tranh bình đẳng”, “Chi phí không chính thức”, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, “Vai trò người đứng đầu”, “Tiếp cận đất đai”, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, “Chi phí thời gian” và “Thiết chế pháp lý”. 03/08 chỉ số thành phần có điểm tuyệt đối cao hơn điểm trung vị PCI 2016 cả nước đó là: “Chi phí không chính thức”, “Cạnh tranh bình đẳng” và “Thiết chế pháp lí”. Tuy nhiên, chỉ có “Chi phí không chính thức” và “Cạnh tranh bình đẳng” trong khối huyện, thành phố vượt trên điểm trung vị của nhóm xếp hạng PCI của tỉnh.

Điểm trung vị của khối huyện, thành phố đạt 54.14 điểm, giảm 2.15 điểm so với điểm PCI Lạng Sơn 2016 (56.29 điểm). Điểm số này thấp hơn trung vị của khối sở, ban, ngành và cũng thấp hơn điểm số PCI 2016 của tỉnh.

Để tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện vị trí xếp hạng của chỉ số PCI, khắc phục những chỉ số thành phần còn yếu thông qua kết quả đánh giá DDCI của tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cải thiện tích cực 10 chỉ số thành phần PCI, phấn đấu điểm số PCI năm 2018 đạt từ 60 điểm trở lên, phấn đấu nâng vị trí xếp hạng và gia nhập nhóm có chất lượng điều hành từ trung bình, khá trở lên (đứng thứ 45-48 so với cả nước theo bảng xếp hạng do VCCI công bố); khắc phục ngay 03 chỉ số giảm điểm: “Tính năng động của chính quyền tỉnh”, “Gia nhập thị trường”, “Chi phí không chính thức” và cải thiện tổng thể các chỉ số thành phần trong năm 2018.

Tập trung khắc phục cơ bản các chỉ số thành phần DDCI được đánh giá còn thấp và chậm cải thiện của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, cải thiện điểm trung vị từ 60 điểm trở lên. Xác định trách nhiệm, phát huy tính chủ động của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt về tư tưởng, nhận thức để tạo sự chuyển biến mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp thân thiện, trách nhiệm.

- Việc cải thiện điểm số và xếp hạng mỗi chỉ số thành phần của chỉ số PCI được giao cho một đơn vị là đầu mối theo dõi tổng hợp; các đơn vị khác chủ trì hoặc phối hợp thực hiện. Các đơn vị chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp tốt với đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu thành phần thuộc lĩnh vực của cấp, ngành mình phụ trách.

- Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện các chỉ số thành phần của chỉ số PCI và DDCI.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Tập trung khắc phục các chỉ số bị giảm điểm năm 2017

1.1. Chỉ số “ Gia nhập thị trường”

a) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối theo dõi, tổng hợp về việc cải thiện chỉ số “ Gia nhập thị trường”.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế rút ngắn thời gian trong việc đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đảm bảo dưới 03 ngày làm việc. Rút ngắn thời thời gian giải quyết từ 03 ngày làm việc xuống còn 01 ngày làm việc đối với 12 thủ tục đăng ký thay đổi (tạm ngừng, xác nhận thông tin thay đổi,...). Niêm yết đầy đủ, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng, từ tháng 5/2018 cấp đăng ký doanh nghiệp mới, thay đổi qua mạng đạt 30% số hồ sơ. Phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng.

- Phối hợp với Cục Thuế, các cơ quan liên quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục sau khi đăng ký thành lập (kê khai, đăng ký nộp thuế; điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện,...), đảm bảo tỷ lệ dưới 5% doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động.

b) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy mạnh công tác kê khai trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản. Đôn đốc kê khai, giảm số ngày chờ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất do tổ chức kinh tế quản lý, sử dụng; các thửa đất mà các hộ gia đình chưa thực hiện kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn các huyện, thành phố.

1.2. Chỉ số “Chi phí không chính thức”

a) Giao Sở Nội vụ là đầu mối theo dõi, tổng hợp về việc cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức”

- Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, từ chối các yêu cầu đúng quy định và pháp luật của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan.

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

[...]