Kế hoạch 816/KH-UBND năm 2013 thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2015

Số hiệu 816/KH-UBND
Ngày ban hành 30/07/2013
Ngày có hiệu lực 30/07/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 816/ KH-UBND

Quảng Bình, ngày 30 tháng 7 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC, NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Thực hiện Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; Công văn số 3062/BYT-MT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kế hoạch triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân, UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2013 - 2015 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân về Phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân" đồng thời tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Phong trào vệ sinh yêu nước; góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách về phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân, hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động.

2. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2015

2.1. Nhóm mục tiêu về vệ sinh cá nhân, môi trường cộng đồng

- 100% các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

- 85% số hộ gia đình thành thị và 80% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 40% theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02: 2009/BYT) của Bộ Y tế.

- 90% số hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà tiêu - điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh (QCVN 01: 2011/BYT) của Bộ Y tế.

- 45% số hộ nông dân chăn nuôi chuồng trại hợp vệ sinh; không sử dụng phân tươi để chăm bón cây trồng, nuôi thủy sản.

- 100% cơ sở sản xuất, nơi công cộng (trạm y tế xã, trường học mầm non, phổ thông, nhà ga, chợ, bến tàu...) có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng.

- 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên.

- Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các thôn, ấp, bản làng có điểm thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh và thực hiện phong trào phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. 45% người dân thường xuyên rửa tay với nước sạch xà phòng.

2.2. Nhóm mục tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm

Tăng sự hiểu biết của người dân về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng số các hộ dân cam kết không sản xuất rau không an toàn; số các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết không thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; số cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm cam kết thực hiện không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế.

2.3. Mục tiêu về vệ sinh trong lao động

- 100% cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh nhà xưởng, sắp xếp nơi làm việc gọn gàng.

- 100% người lao động được tuyên truyền vệ sinh cá nhân tại nơi làm việc, sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân theo quy định

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng

1.1. Thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe

Vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ăn uống hợp lý và rèn luyên thân thể. Đẩy mạnh thực hiện nội dung "3 sạch" trong phong trào "5 không, 3 sạch". Cụ thể là: Sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường, sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm.

1.2. Cải thiện vệ sinh môi trường:

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng.

- Vận động người dân xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, chấm dứt đi tiêu bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh; thực hành ủ phân hợp vệ sinh.

- Vận động người dân thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải, xóa bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Định kỳ hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học... tạo thói quen nề nếp trong nhân dân.

[...]