Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2013 triển khai phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 01/07/2013
Ngày có hiệu lực 01/07/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 7 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI PHONG TRÀO “VỆ SINH YÊU NƯỚC, NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN”

Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2012 về việc lấy ngày 02 tháng 7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước”.

Ngày 01 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch nước đã phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trong phạm vi cả nước, kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và cải thiện sức khỏe.

Ngày 26 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để Phong trào vệ sinh yêu nước trên địa bàn tỉnh được triển khai thường xuyên, toàn diện và duy trì có hiệu quả mang tính bền vững, thiết thực góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, mỗi đơn vị, mỗi người dân. Phong trào cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân nhất là trên địa bàn dân cư, xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị.

2. Giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước bảo vệ sức khỏe nhân dân nhằm bảo đảm Phong trào được phát triển sâu rộng hiệu quả và duy trì bền vững.

b) Chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở cấp huyện, xã tham mưu chính quyền địa phương triển khai phong trào và là lực lượng nòng cốt thực hiện phong trào ở địa phương.

c) Hằng năm chủ động, tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” (ngày 2 tháng 7 hàng năm) với các Chủ đề ưu tiên theo chỉ đạo của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương.

d) Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 gắn với việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước tại các cơ sở theo Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1808/BYT-MT ngày 3/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế

3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo và triển khai phấn đấu đạt các mục tiêu liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe nhân dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn. Vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, không sử dụng phân tươi và các chất độc hại cấm sử dụng trong nuôi, trồng, chế biến thực phẩm. Thực hiện tốt vệ sinh lao động trong nông nghiệp, bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân được an toàn, vệ sinh.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường; có kế hoạch cụ thể để từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh trong các làng nghề, khu công nghiệp và khu vực dân cư ở nông thôn và đô thị.

5. Giao Sở Xây dựng tập trung chỉ đạo việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực đô thị; đồng thời kiểm tra việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải rắn, chất thải xây dựng trên địa bàn tỉnh.

6. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép nội dung giảng dạy kiến thức về vệ sinh trong nhà trường phù hợp với từng cấp học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tăng cường thông tin, giáo dục, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh; tạo thói quen, nếp sống vệ sinh, văn minh; xây dựng và phát triển phong trào học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh và nâng cao sức khỏe trong trường học và tại cộng đồng. Chỉ đạo các nhà trường, nhất là các trường học ở nông thôn xây nhà tiêu hợp vệ sinh và cung cấp đủ nước hợp vệ sinh phục vụ cho giáo viên, học sinh.

7. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các tiêu chí về vệ sinh yêu nước vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các quy định trong hương ước, quy ước văn hóa của thôn, làng, tổ dân phố. Tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

8. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

9. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và hệ thống truyền thông cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân để vận động mọi người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động của Phong trào.

10. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hàng năm chủ động tham mưu đề xuất nguồn kinh phí dành cho việc tổ chức, triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước đạt hiệu quả.

11. Đề nghị các Tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo và vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân. Lồng ghép các hoạt động nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

12. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước tại địa phương, trong đó tập trung:

a) Chỉ đạo các cấp, các ngành và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tại địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm huy động toàn thể người dân và cộng đồng tham gia thực hiện Phong trào.

Trung tâm Y tế các huyện, thị, TP phối hợp với Phòng Y tế tham mưu cho UBND các huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp.

b) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân tham gia và thực hiện tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh, An toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu; thực hiện tốt các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe.

c) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân đối với phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ, bảo đảm Phong trào được duy trì và bền vững.

d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn lấy ngày thứ 6 tuần của cuối tháng để huy động cán bộ, toàn thể nhân dân địa phương tham gia các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, cơ quan, trường học, công sở, doanh nghiệp v.v... tạo những thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh tại cộng đồng dân cư.

đ) Tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện Phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân từ các nguồn: nguồn ngân sách huyện, nguồn Xã hội hoá (huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân) để thực hiện phong trào.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ