Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 80/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững

Số hiệu 80/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2024
Ngày có hiệu lực 08/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/TU NGÀY 12/12/2023 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA, CON NGƯỜI ĐỒNG NAI TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC, ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CHO PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VÀ BỀN VỮNG

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 12/10/2020 của Tỉnh ủy về Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 12-NQ/TU), UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

- Các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm, thời gian thực hiện, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

- Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện với các phẩm chất: Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, khát vọng năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao linh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm; trong 6 mối quan hệ: Với bản thân mình, với gia đình, với cộng đồng, với xã hội, với đất nước, với truyền thống và bản sắc của Đồng Nai.

- Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), tiềm năng, lợi thế đặc biệt của tỉnh, mang tính đại diện cho khu vực; cùng các nguồn vốn văn hóa khác, tái hiện, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại. Tiếp tục giữ vững, phát huy hào khí Đồng Nai và không ngừng lan tỏa tinh thần hào khí Đồng Nai trong mọi phương diện của đời sống đương đại cho cả vùng Nam Bộ.

- Tập trung đầu tư nguồn lực và ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai; tiếp tục triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các cuộc vận động có liên quan sâu rộng và thực chất hơn; hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hoá hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, xây dựng các chương trình, dự án mới nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ, sáng tạo và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, nhất là công nhân lao động.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phấn đấu 90% hộ gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hệ giá trị của gia đình truyền thống và hiện đại, phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; 95% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

- Phấn đấu giữ vững các mục tiêu: 95% trở lên số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 90% trở lên khu phố, ấp đạt danh hiệu văn hóa, trong đó, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất 5% số mô hình điểm khu dân cư văn hóa tiêu biểu; 98% trở lên cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 75% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 60% trở lên phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

- 95% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 92% khu phố, ấp thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật.

- Quy hoạch đồng bộ: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Nhà hát nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện, Công viên văn hóa công nhân đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

- 95% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ các thiết chế: Nhà văn hóa, Thư viện và 3 công trình thể thao cơ bản (Nhà thi đấu đa năng, sân vận động, hồ bơi) đạt chuẩn theo quy định; 95% huyện, thành phố có quảng trường, công viên; trên 50% huyện, thành phố có Nhà văn hóa thanh thiếu niên.

- Lập hồ sơ đề nghị ghi danh từ 1-2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1- 2 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; 20% các di tích quốc gia đặc biệt hoàn thiện công tác tu bổ, tôn tạo theo quy hoạch được phê duyệt; 20% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp.

- 95% thanh, thiếu nhi trong các trường học trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa tại các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh.

- Ưu tiên phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có lợi thế của tỉnh; phấn đấu doanh thu của các dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 1% GRDP.

- Từng bước nâng mức đầu tư cho văn hóa đạt 3,5% tổng chi ngân sách Nhà nước; lựa chọn ưu tiên phát triển từ 3-5 sản phẩm du lịch nổi trội để xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.

- Phấn đấu trong nhóm 7 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI).

3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu 100% hộ gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hệ giá trị của gia đình truyền thống và hiện đại, phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

[...]