Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2021 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường 03 năm 2022-2024 tỉnh Bình Định

Số hiệu 77/KH-UBND
Ngày ban hành 21/07/2021
Ngày có hiệu lực 21/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/KH-UBND

Bình Định, ngày 21 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 03 NĂM 2022 - 2024 TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Văn bản số 1933/BTNMT-KHTC ngày 27/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Bình Định xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở ngành, địa phương năm 2020 và năm 2021

- Công tác chỉ đạo, điều hành

Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được tăng cường với nhiều hình thức như: Ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai các Nghị định, Thông tư về bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ, thủ tục môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành một số văn bản quan trọng để chỉ đạo triển khai như: Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 về việc Ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 10/03/2020 về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính không liên thông cấp tỉnh trong lĩnh vực môi trường và giao dịch bảo đảm thuộc phạm vi trách nhiệm thực hiện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định; Quyết định số 2789/QĐ- UBND ngày 14/7/2020 về phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính không liên thông trong lĩnh vực Thuế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định; Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 Công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định (trong đó, ban hành thủ tục hành chính thu phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp mức độ 4); Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 16/9/2020 về việc phê duyệt 10 Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông, không liên thông trong lĩnh vực Môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định; Quyết định số 4598/QĐ-UBND ngày 06/11/2020 (thay thế cho Quyết định số 2640/QĐ-UBND ngày 02/7/2020) về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 23/12/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 08/2/2021 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 05/3/2021 về việc kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025; Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 06/4/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Định;...

Ngoài ra, đã triển khai đồng bộ công tác phổ biến, hướng dẫn pháp luật về Bảo vệ môi trường, phổ biến các tài liệu hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Tiêu chí Cảnh quan - Môi trường đối với xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hướng dẫn công tác quản lý chất thải (sinh hoạt, y tế, nguy hại,...).

- Công tác thẩm định hồ sơ môi trường: Tiếp nhận và giải quyết hơn 300 hồ sơ môi trường, bao gồm Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành, vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường, cấp sổ chất thải nguy hại.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động tổ chức công tác tiếp nhận, thẩm định các Kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường.

- Công tác thanh tra, kiểm tra:

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh theo nội dung hồ sơ môi trường đã được phê duyệt theo kế hoạch hàng năm. Qua kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xây dựng công trình bảo vệ môi trường để được cấp Giấy xác nhận theo quy định. Theo đó, đã hướng dẫn các cơ sở khắc phục các vấn đề tồn tại, đồng thời xử phạt đối với các cơ sở tái phạm nhiều lần theo quy định (năm 2020 đã tiến hành thanh kiểm tra khoảng 100 tổ chức, cá nhân, xử phạt 17 tổ chức, cá nhân với số tiền khoảng 01 tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2021 đã triển khai thanh kiểm tra 30 tổ chức, cá nhân, đã xử phạt 06 tổ chức, cá nhân, với số tiền khoảng 400 triệu đồng).

Tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ theo kế hoạch và theo phản ánh của cử tri qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phản ánh của người dân qua đường dây nóng và thông tin phản ánh từ báo chí. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở khắc phục các vấn đề tồn tại, đồng thời xử phạt đối với một số cơ sở tái phạm nhiều lần.

- Công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn: Hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí môi trường đối với 40 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2020 và 2021; hiện nay các xã còn nhiều khó khăn trong triển khai công tác quản lý môi trường và thực hiện tiêu chí môi trường, đặc biệt trong vấn đề kinh phí cho hoạt động thu gom xử lý rác thải, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, công trình xử lý rác tập trung đạt quy chuẩn.

- Công tác quan trắc môi trường: Hàng năm, trên địa bàn tỉnh đều tổ chức thực hiện kế hoạch quan trắc hiện trạng môi trường theo Quy hoạch đã được duyệt với số điểm quan trắc như sau: nước mặt: 43 điểm; nước dưới đất: 33 điểm; nước biển ven bờ: 13 điểm; không khí: 33 điểm; đất: 29 điểm. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư lắp đặt hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 đơn vị đã truyền dữ liệu quan trắc tự động nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Công tác quản lý chất thải: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt khá cao: thành phố Quy Nhơn (95%), phường Bồng Sơn (90%); các huyện, thị xã còn lại, các thị trấn, khu đô thị và các trục đường chính dọc Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 ( đạt 40 - 60%); các khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa (đạt 29,5%). Hiện nay, hầu như toàn bộ các địa phương đều áp dụng phương pháp chôn lấp rác thải và có 05 bãi chôn lấp được xây dựng theo tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với chất thải nguy hại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 02 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép. Một số loại chất thải nguy hại, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, 100% lượng chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phát sinh được các cơ sở y tế thu gom và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý đảm bảo.

- Công tác triển khai, phổ biến các quy định, chính sách và truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng. Trong đó, nhiều hoạt động kỷ niệm các sự kiện lớn về môi trường như Ngày Đất ngập nước, Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường Thế giới hàng năm,... được tổ chức rộng khắp trên toàn tỉnh. Ngoài ra, đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, xã, cán bộ môi trường tại các doanh nghiệp (khoảng 300 lượt người/năm), riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 nên không tổ chức tập huấn; hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho thanh niên tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư và học sinh, sinh viên, hội viên hội nông dân,... tổ chức các cuộc thi về môi trường và đa dạng sinh học; triển khai các mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của hội đoàn thể và cộng đồng (mô hình Phụ nữ không sử dụng túi ni lông tại huyện Tuy Phước; mô hình Giảm sử dụng túi ni lông tại xã Nhơn Châu và thị trấn Vân Canh; mô hình Sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường tại Chợ Chương Dương, thành phố Quy Nhơn;...).

2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường và sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2020 và năm 2021

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 03- NQ/TU ngày 07/4/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/4/2017 của Tỉnh ủy; công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai, tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:

- Truyền thông về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; trong năm 2020 và 2021 tỉnh Bình Định đã tập trung triển khai các mô hình, hoạt động truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa.

- Kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cụm công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt Tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;...

- Xây dựng mô hình thí điểm truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp xã của Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn; Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn và Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Đề Gi.

Nhìn chung, việc triển khai nhiệm vụ và sử dụng kinh kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh khá hiệu quả; các nhiệm vụ gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường đặt ra. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa triển khai đồng bộ và thường xuyên, liên tục các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

3. Kiến nghị và đề xuất:

UBND tỉnh Bình Định kính đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề sau:

- Sớm ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để các địa phương triển khai thực hiện.

[...]