Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2023 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường 03 năm 2024-2026 tỉnh Bình Định

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 24/07/2023
Ngày có hiệu lực 24/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Bình Định, ngày 24 tháng 07 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 03 NĂM 2024 - 2026 TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Văn bản số 4431/BTNMT-KHTC ngày 16/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Bình Định xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách 03 năm 2024 - 2026 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2022 VÀ NĂM 2023

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở ngành, địa phương năm 2022 và năm 2023

a) Công tác chỉ đạo, điều hành

Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh được tăng cường với nhiều hình thức như: ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ, thủ tục môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành một số văn bản quan trọng về BVMT cho giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030 như: Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 về Quy định hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) y tế trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 về Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 10/4/2023 về Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 08/02/2023 về Truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2023 - 2025. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang hoàn thiện việc xây dựng Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự kiến ban hành trong Quý IV/2023) làm cơ sở triển khai đồng bộ công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng đơn giản hóa như: Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 07/3/2023 về việc thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (thời gian thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) giảm 30% so với quy định); Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 03/3/2022 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính ban hành mới, thủ tục hành chính thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực Môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 08/3/2022 về việc ủy quyền thực hiện một số thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường; Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn bản số 1687/UBND-KT ngày 03/4/2022 giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số nội dung theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; Ban hành quy định về phí cấp Giấy phép môi trường tại Quyết định số 61/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022; Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 về việc ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế giải quyết một số thủ tục hành chính trên lĩnh vực BVMT thuộc phạm vi thẩm quyền của UBND tỉnh.

Ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành về ứng phó với BĐKH: Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 06/01/2022 về việc phê duyệt đề cương và dự toán nhiệm vụ Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn Bình Định, Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 19/01/2023 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn đến năm 2050, Văn bản số 2354/UBND-KT ngày 04/5/2022 về việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH, Văn bản số 5873/UBND- KT ngày 10/10/2022 về việc triển khai thực hiện giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH, Văn bản số 6385/UBND-KT ngày 31/10/2022 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Văn bản số 96/UBND-KT ngày 06/01/2023 về việc thực hiện Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.

Triển khai đồng bộ công tác phổ biến, hướng dẫn pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; triển khai thực hiện Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/4/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo là năm trọng điểm tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các hội đoàn thể thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện một số nội dung của Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Tiêu chí Cảnh quan - Môi trường đối với xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao,... đồng thời, tham gia góp ý một số dự thảo liên quan đến công tác quản lý về BVMT theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường[1].

b) Công tác thẩm định hồ sơ môi trường

Hiện nay, đã có 07/09 thủ tục hành chính về môi trường được thực hiện trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Định (theo Quyết định số 3719/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 và Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh). Thời gian thẩm định Báo cáo ĐTM (thủ tục phát sinh nhiều hồ sơ nhất trong lĩnh vực môi trường) được thực hiện giảm từ 50 ngày xuống còn 35 ngày theo quy trình rút gọn. Đồng thời, đã xây dựng và đăng tải 04 mẫu Báo cáo ĐTM rút gọn đối với một số lĩnh vực phổ biến, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản phục vụ công trình trọng điểm của tỉnh, đăng tải Tài liệu hướng dẫn tra cứu hồ sơ môi trường trên cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp thuận lợi trong công tác lập hồ sơ môi trường.

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận và giải quyết hơn 300 hồ sơ môi trường, việc giải quyết đảm bảo đúng quy trình và thời gian quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tổ chức công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ môi trường theo quy định.

c) Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm

UBND tỉnh Bình Định đã thiết lập đường dây nóng và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận và giải quyết phản ánh về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng, phản ánh của báo chí, kiến nghị cử tri với 45 vụ việc. Các vụ việc đã được kiểm tra, xác minh và giải quyết, xử lý theo quy định; kết quả xử lý đều được tổng hợp, trả lời cho công dân và các cơ quan báo chí.

Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất về BVMT luôn được duy trì thực hiện theo kế hoạch hàng năm và theo phản ánh của cử tri qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phản ánh của người dân qua đường dây nóng và thông tin phản ánh từ báo chí. Qua kiểm tra, đã hướng dẫn các cơ sở khắc phục các vấn đề tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị như: vận hành hệ thống xử lý nước thải, quản lý chất thải, thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường,...; đồng thời, đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định đối với các cơ sở tái phạm nhiều lần.

Trong công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, năm 2022, Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ đã được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT nên Bãi rác núi Bà Hỏa được rút tên ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

d) Công tác quản lý chất thải

* Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Năm 2022, tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, nhấn mạnh năm 2023 là năm trọng điểm tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý CTR sinh hoạt, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các hội đoàn thể thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong năm 2023, ngân sách tỉnh hỗ trợ 62 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện tăng tần suất và mở rộng địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt một cách đồng bộ, hiệu quả trên toàn tỉnh. Thành lập 02 Tổ công tác về quản CTR sinh hoạt: (1) Tổ công tác xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương về các dự án đầu tư xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, (2) Tổ công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội thảo tham vấn về giải pháp và công nghệ xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án xử lý CTR trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống dữ liệu cập nhật trực tuyến hàng tuần về tình hình thu gom CTR sinh hoạt và hướng dẫn địa phương thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ hàng tháng công tác quản lý CTR trên địa bàn để theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

Đến nay, các địa phương đã triển khai việc tăng tần suất thu gom trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị trên địa bàn toàn tỉnh: tổng lượng rác đô thị được thu gom trên địa bàn tỉnh khoảng 88.000 tấn (tăng gần 7.000 tấn so với 6 tháng đầu năm 2022), tỷ lệ rác đô thị được thu gom đạt khoảng 84,98% (tăng so với năm 2022 là 82,59%).

* Về quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại

Khoảng 85% lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, tái sử dụng cho một số mục đích như: làm nhiên liệu đốt (ngành chế biến lâm sản), làm phân hữu cơ (ngành chăn nuôi) hoặc san lấp mặt bằng (các ngành chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng,...); khối lượng chất thải còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt.

Tổng khối lượng chất thải nguy hại (CTNH) công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước tính khoảng 3.000 tấn; khối lượng CTNH được thu gom, xử lý đạt khoảng 90%. Lượng CTNH còn lại các cơ sở lưu giữ tại đơn vị và bàn giao cho đơn vị xử lý vào năm kế tiếp.

Tổng chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám phát sinh trong năm 2022 tại các cơ sở y tế khoảng 512 tấn, được thu gom và xử lý đảm bảo tại cơ sở xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh.

[...]